Hà Nội: Ứng dụng công nghệ cao xử lý rơm rạ thành phân vi sinh

Phi Hồng (t/h)|14/10/2018 07:11
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

MOITRUONG.NET.VNSáng 13/10, tại xã Đức Hòa (huyện Sóc Sơn, Hà Nội), T.Ư Đoàn phối hợp với Bộ Khoa học &Công nghệ tổ chức Lễ ra quân ứng dụng KH&CN xử lý rơm rạ thành phân vi sinh, với sự tham dự của Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng và Bí thư Thường trực T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn.

>>>Đẩy mạnh xử lý rác thải rắn nông thôn ở Điện Biên

>>>Giảm thiểu thiên tai bằng cách tăng cường truyền thông

Người dân huyện Sóc Sơn, Hà Nội thực hiện xử lý rơm rạ thành phân vi sinh. (Ảnh: Báo Thanh niên)

Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ KH-CN cho biết, việc đốt rơm rạ sau mỗi vụ thu hoạch đã trở thành một vấn nạn môi trường. Mặc dù hiện tượng này được nhắc đến rất nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nhưng vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Khói do việc đốt rơm, rạ thường cháy không thành ngọn lửa, sinh ra nhiều CO – loại khí rất độc có thể gây chết người. Người hít phải CO nhiều và kéo dài có thể bị biến đổi cấu trúc bộ máy hô hấp, dễ mắc nhiễm trùng phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi…

Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội TP Hà Nội Nguyễn Khánh Bình phát biểu: Theo số liệu thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, ước tính mỗi năm, trên địa bàn TP phát sinh trên 1 triệu tấn rơm, rạ, phụ phẩm nông nghiệp. Trong đó, lượng đốt bỏ ngoài đồng khoảng 352.000 tấn (chiếm 33,7%). Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, việc đốt nhiều rơm rạ trong cùng một lúc sẽ làm nóng bầu khí quyển, khiến nhiệt độ trở nên nóng hơn, đẩy nhiệt độ lên cao. Việc đốt rơm rạ gây khói bụi cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn giao thông đường bộ và đường không trong khu vực.

Các đoàn viên, thanh niên ứng dụng công nghệ xử lý rơm rạ thành phân bón . (Ảnh: Báo Thanh niên)

Do đó, chương trình “Ứng dụng KH&CN xử lý rơm rạ thành phân vi sinh” nhằm giải quyết tình trạng đốt rơm rạ sau mỗi vụ thu hoạch trên địa bàn TP Hà Nội. Đồng thời hướng đến mục tiêu: Hỗ trợ chuyển giao công nghệ sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ thành phân bón vi sinh; giảm bớt tình trạng đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường; gia tăng hiệu quả kinh tế từ phân bón vi sinh… Bên cạnh đó, chương trình sẽ tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò của KH&CN trong đời sống sản xuất, gắn với bảo vệ môi trường.

Việc ứng dụng khoa học và công nghệ xử lý rơm rạ thành phân vi sinh rất có ý nghĩa thực tiễn. Vì vậy, đoàn viên, thanh niên thủ đô sẽ là những báo cáo viên tâm huyết truyền tải rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân về tác dụng của việc sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ thành phân bón vi sinh. Từ đó, đoàn viên thanh niên và nhân dân sẽ góp phần giảm bớt tình trạng đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường; gia tăng hiệu quả kinh tế bằng phân bón sinh học từ rơm, rạ; chung tay bảo vệ môi trường thủ đô sáng – xanh – sạch – đẹp.

Trong khuôn khổ chương trình, Ban tổ chức đã ra mắt Đội hình thanh niên tình nguyện tuyên truyền, thu gom và xử lý rơm rạ thành phân bón vi sinh; trao tặng tủ sách và 10 thùng rác công cộng tới đoàn viên, thanh niên huyện Sóc Sơn; tặng 30 suất học bổng tới học sinh vượt khó học giỏi; ký kết chương trình phối hợp giữa doanh nghiệp và T.Ư Đoàn về chuyển giao chế phẩm sinh học và kỹ thuật.

Sau lễ phát động, các đội hình tình nguyện và Nhân dân xã Đức Hòa (huyện Sóc Sơn) đã ra quân tuyên truyền, thu gom và xử lý rơm rạ thành phân bón vi sinh.

Phi Hồng (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Ứng dụng công nghệ cao xử lý rơm rạ thành phân vi sinh