Quảng Nam: Người dân bức xúc vì ô nhiễm trên tuyến kênh N2 không được giải quyết dứt điểm

Thanh Hải-Nhật Hiên|26/03/2021 09:20
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Tuyến kênh N2 chuyên phục vụ nhu cầu nước tưới tiêu cho người dân, chảy qua  các xã Tam Đại, Tam Ngọc (thuộc huyện Phú Ninh) và phường Trường Xuân, Hòa Thuận (thuộc TP. Tam Kỳ). Trong nhiều năm qua, tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng vì rác thải sinh hoạt trên tuyến kênh này gây bức xúc cho người dân, đặc biệt là bà con tại khối phố Trà Cai, phường Hòa Thuận (đoạn cuối của tuyến kênh N2).

[VIDEO] Quảng Nam: Người dân bức xúc vì ô nhiễm trên tuyến kênh N2 không được giải quyết dứt điểm

Kênh N2 được Sở NN&PTNT đã kiên cố hóa thành kênh bê tông bằng nguồn vốn ODA và giao cho Xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi Phú Ninh – Chi nhánh Tam Kỳ quản lý. Tuy nhiên, tuyến kênh này là tuyến kênh hở, không nắp đậy nên rác thải tại đây chủ yếu do người dân sống dọc hai bên tuyến kênh vứt xuống nên rác thải tập trung về đoạn cuối kênh tại khối phố Trà Cai.

Tình trạng ô nhiễm trong một thời gian dài đã gây bức xúc cho người dân tại khối phố Trà Cai, phường Hòa Thuận

Theo phản ánh của người dân khối phố Trà Cai, đây là đoạn cuối của tuyến kênh N2 nên rác thải tập trung rất nhiều gây ứ đọng tại miệng ống cống. Vào mùa mưa rác thải tràn lên đường, vào tận nhà dân; còn mùa nắng thì mùi hôi thối lại bay lên nồng nặc vào tới tận nhà. Nguồn rác thải đẩy về đây nhiều đủ loại từ bao bì đã qua sử dụng đến chất thải sinh hoạt, thậm chí cả xác động vật. Không những thế, dọc theo kênh N2, rác thải ùn ứ chẳng khác gì bãi rác.  

Dọc theo tuyến kênh N2, lượng rác thải ùn ứ chẳng khác gì bãi rác

Bà Hồ Thị Lanh (người dân khối phố Trà Cai) cho biết, sống cạnh khu vực ô nhiễm như thế này người dân rất lo sợ, rác thải đọng lại lâu ngày không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt mà còn thấm dần vào mạch nước giếng ngầm, uy hiếp sức khỏe. Vì vậy, nhiều gia đình đã chủ động chuyển đến nơi khác sinh sống, số hộ còn lại bám trụ chấp nhận sống chung với ô nhiễm.

“Mỗi lần nước về là rác trôi về theo, chúng tôi thu gom, đốt cũng không xuể. Đã nhiều lần tôi và người dân làm đơn kiến nghị lên chính quyền phường Hòa Thuận. Sau đó, chính quyền phường xuống kiểm tra nhưng rồi không có hướng gì giải quyết cho người dân. Dai dẳng ô nhiễm cả 3 năm rồi. ”-  bà Lanh bức xúc.

Nguồn rác thải đẩy về đây nhiều đủ loại từ bao bì đã qua sử dụng đến chất thải sinh hoạt, thậm chí cả xác động vật

Ông Bùi Anh Dũng, một người dân sống cạnh kênh ô nhiễm này cho biết, khi kênh mương này chưa được xây dựng kiên cố thì không có tình trạng rác thải, gia cầm chết ùn ức bốc mùi hôi thối. Nhưng từ khi làm xong, tuyến kênh mương ứ đọng rác thải, gia cầm chết cũng dồn lại đây nhiều. Dù người dân đã nhiều lần ra vớt rác lên bờ tiêu hủy, nhưng chỉ khoảng 20 phút sau quay lại là rác, túi nilon và gia cầm chết lại ùn ứ, mắc kẹt trên bề mặt kênh mương.

“Phụ nữ, thanh niên cũng ra quân  quét dọn, thu gom rác thải tại khu vực ô nhiễm nhưng không xuể. Rác sinh hoạt thì thường xuyên rồi, cứ đến mùa dịch thì từng bao tải chứa gia súc, gia cầm chết trôi theo về cuối kênh. Do đó, gia cầm, vật nuôi của người dân trong xóm cứ uống nước ở kênh này bệnh tật, chết hết. Mong chính quyền có chế tài để chấm dứt tình trạng người vứt rác bừa bãi từ đầu nguồn kênh” – ông Dũng kiến nghị.

Theo ông Dương Văn Tuấn – Chủ tịch UBND phường Hòa Thuận, trước đây địa phương đã làm các lưới chắn rác ở phía đầu tuyến nhưng lại gây ứ đọng và gây hôi thối tại các khu vực đặt lưới chắn nên người dân đã phá bỏ. Chính quyền phường Hòa Thuận đã kiến nghị với Chi nhánh Xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi Phú Ninh – Chi nhánh Tam Kỳ làm cống hộp và triển khai các giải pháp xử lý ô nhiễm nhưng kinh phí lớn quá nên vẫn chưa triển khai.

 “Rác này không phải của địa phương mà từ đầu tuyến trôi về. Do vậy, để giải quyết triệt để vấn đề tuyến cuối kênh N2 bị ô nhiễm thì 3 xã Tam Thái, huyện Phú Ninh và phường Trường Xuân, Hòa Thuận, TP. Tam Kỳ phải ngồi lại để bàn giải pháp.  Đặc biệt, Xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi Phú Ninh là đơn vị trực tiếp cũng phải có trách nhiệm xử lý vì hàng năm mình đều đóng thủy lợi phí” – ông Dương Văn Tuấn – Chủ tịch UBND phường Hòa Thuận cho hay.

Thanh Hải-Nhật Hiên

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Quảng Nam: Người dân bức xúc vì ô nhiễm trên tuyến kênh N2 không được giải quyết dứt điểm