(Moitruong.net.vn) – Sau mỗi đợt bão lũ, môi trường biển Cù Lao Chàm, Quảng Nam lại bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến công tác bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học.
>>>
Hải sâm chết dạt vào bờ biển Cửa Đại
Trước cơn bão số 12 và đợt lũ thượng tuần tháng 11 vừa qua, tại bờ biển Cửa Đại (Hội An) xuất hiện tình trạng nhiều hải sâm chết trôi dạt vào bờ. Tập trung nhiều nhất ở hai phía bờ của cửa biển. Phía bờ bắc (thuộc khu vực phường Cửa Đại), hải sâm chết rất nhiều, từ cửa biển đến khách sạn Victoria. Phía bờ nam (thuộc xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên), hải sâm chết kéo dài khoảng 1,5km. Người dân sống vùng ven biển này cho biết, hải sâm chết trôi vào bờ là hiện tượng rất lạ, vì xưa nay tại khu vực này chưa từng xảy ra. Còn các lão ngư và những ngư dân dạn dày kinh nghiệm thì suy đoán rằng, hải sâm chết có thể do ảnh hưởng từ nguồn nước vì liên tiếp những ngày trước đó, lượng nước từ thượng nguồn sông Thu Bồn đổ về biển nhiều, có khả năng kéo theo các loại chất xả thải, làm ô nhiễm môi trường nước vùng cửa biển này.
Thực trạng ô nhiễm nguồn nước biển vào mùa mưa lũ không phải là mới mà đã từng xảy ra từ những năm trước. Vùng biển Cửa Đại – Cù Lao Chàm (Hội An) nằm ở cuối hạ lưu sông Thu Bồn, là nơi chịu nhiều ảnh hưởng từ các tác động trực tiếp và gián tiếp của tự nhiên và con người ở phía thượng nguồn. Cứ sau mỗi cơn bão lũ, lượng nước ngọt, rác thải, bèo lục bình và trầm tích… phát tán từ cửa sông Thu Bồn đã vươn ra đến nhiều khu vực và vùng nước xung quanh quần đảo Cù Lao Chàm, gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nước biển. Ông Trần Xá – một lão ngư nhiều kinh nghiệm ở Cù Lao Chàm nói: “Từ sông Thu Bồn, những chất thải đổ ra là Cù Lao Chàm hứng hết và đảo có những cái vịnh, cái eo nên đọng lại chất độc đó. Nguồn hải sản khó phát triển vì nước biển ô nhiễm do chất thải từ thượng nguồn”.
Theo một kết quả thu thập và phân tích của Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm về chất lượng nước biển tại các khu vực ven bờ, quanh các rạn san hô cho thấy độ mặn trung bình tầng mặt và tầng đáy đều giảm xuống, đặc biệt giảm mạnh tại khu vực Bãi Bấc, Bãi Hương, Bãi Xếp… Độ đục của nước cũng tăng cao. Ý kiến từ các cán bộ nghiên cứu của Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho rằng, điều này cho thấy nguồn nước đổ ra biển mang theo nhiều trầm tích và các loại rác gây đục nước biển. Những trầm tích này khi lắng xuống đáy biển sẽ phủ lên các rạn san hô, nếu nhiều sẽ gây ngạt thở và làm san hô chết. Tính từ năm 2008 đến năm 2016, độ phủ trung bình san hô cứng ở vùng biển Cù Lao Chàm đã giảm từ 14,4% xuống còn 11,5%. Tất nhiên, mức độ giảm độ phủ san hô còn tùy thuộc vào hoạt động của một số nghề khai thác thủy sản ở vùng biển này như lặn, lưới rê (1 lớp và 3 lớp), lưới kéo (giã cào), lưới vây… Những năm gần đây, các lực lượng chức năng trên đảo liên tục phát hiện và đã xử phạt hàng chục trường hợp tàu thuyền đến từ các địa phương trong và ngoài tỉnh đánh bắt hải sản trong vùng cấm của khu bảo tồn biển. Các hành vi này vi phạm nghiêm trọng Quy chế quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm và tác động nặng nề đối với hệ sinh thái biển, làm ảnh hưởng đến môi trường biển.
Là cư dân gắn bó lâu năm trên đảo, ông Trần Chúng (thôn Bãi Ông, xã đảo Tân Hiệp) cho rằng nguồn lợi hải sản vùng biển đảo Cù Lao Chàm những năm gần đây đã sút giảm và cạn kiệt rõ rệt. “Trước đây, tài nguyên biển ở đảo này rất phong phú. Nhưng theo dự đoán của tôi khoảng 14 – 15 năm sau này thì nó cạn kiệt quá nhiều. Vì rất nhiều yếu tố và nguyên nhân. Thứ nhất là những tàu săn, bắt, lặn ban đêm ở vùng biển đảo này ngày càng phát triển, hiện có khoảng vài trăm chiếc. Con gì cũng vơ vét hết, hồi đầu con cá lớn, con tôm sau bắt con cá nhỏ, rồi sau bắt con cá nhỏ nữa” – ông Chúng nói.
Trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp và khôn lường, thiên tai bão lũ xảy ra liên tục cộng thêm những tác động tiêu cực không ngừng của con người “từ đầu nguồn đến cuối biển” thì môi trường và hệ sinh thái biển chắc còn bị ảnh hưởng lớn. Vì vậy, rất cần những biện pháp quản lý tổng hợp từ thượng nguồn đến hạ lưu.
Ngoài ra, vừa qua, lực lượng chức năng Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã phát hiện và xử lý 2 tàu cá khai thác trái phép tại vùng biển được bảo vệ nghiêm ngặt ở Cù Lao Chàm. Đối với tàu cá mang số hiệu QNg-50358TS do ông Lê Thanh Bình (sinh năm 1984, trú huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) làm chủ bị phạt 2 triệu đồng về hành vi khai thác sai nội dung trong giấy phép đăng ký. Đối với tàu cá mang số hiệu ĐNa-07137TS do ông Lê Văn Út (trú phường Thọ Quang, TP.Đà Nẵng) làm chủ bị phạt 7,5 triệu đồng do hành vi khai thác sai tuyến và khai thác trong vùng bảo vệ nghiêm ngặt. Toàn bộ công cụ khai thác của các phương tiện trên cũng bị tịch thu.
Theo báo Quảng Nam