Quảng Nam triển khai nhiều phương án ứng phó với sạt lở

Vũ Thành|08/04/2023 18:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Trước những diễn biến phức tạp của sạt lở, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cùng các địa phương đã có nhiều giải pháp triển khai ứng phó, đảm bảo an toàn cho các hộ dân vùng ven sông, biển..

UBND TP.Hội An cho biết, tình trạng sạt lở ở bờ biển khu vực phường Cửa Đại trong mùa mưa bão 2022 và các tháng đầu năm 2023 có diễn ra nhưng ít nghiêm trọng hơn so với những năm trước đây.

Khu vực sạt lở chủ yếu tập trung tại dãy nhà hàng (chưa có cát tạo bãi), gây sạt bờ, hàng dừa và kè tạm của người dân tự làm. Các khu vực bãi tắm công cộng sạt lở không đáng kể và được bồi đắp lại sau mùa mưa bão.

sat-lo-o-quang-nam.jpg
Nhiều hộ dân, dự án du lịch ở khu vực ven biển thuộc khối phố Thịnh Mỹ, phường Cẩm An (Hội An) đang đối mặt với nguy cơ bị sạt lở bờ biển

Trong khi tình trạng sạt lở ở bờ biển khu vực phường Cửa Đại có dấu hiệu tạm lắng thì xu hướng sạt lở đang dịch chuyển về khu vực biển ở phường Cẩm An. Tại khối phố Thịnh Mỹ có 4 căn nhà bị sóng đánh sạt lở, sập hoàn toàn do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh ngày 27/2/2023. Trong đó hộ bà Nguyễn Thị Hường (trú khối phố Thịnh Mỹ) tiếp tục bị sóng biển “giật sập” dù đã cố gắng sửa chữa nhiều lần.

Nguy cơ tiềm ẩn về sạt lở vẫn hiển hiện khi dọc theo ven biển khối phố Thịnh Mỹ, phường Cẩm An vẫn còn hàng chục ngôi nhà đang thấp thỏm vì sóng biển tiến gần hơn qua mỗi đợt mưa bão. Bên cạnh đó, tại đoạn bờ biển chưa có đê ngầm và kè tạm hiện bị sạt lở ăn sâu vào bờ 10 - 30m, trong khi ở khu vực này có một số dự án du lịch đang triển khai.

Ông Lê Văn Biết (trú khối phố Thịnh Mỹ) cho rằng, nếu không sớm triển khai các giải pháp kè biển, cụ thể là tuyến đê ngầm chắn sóng ở vùng biển này thì sớm muộn nhà của ông và một số hộ dân lân cận cũng sẽ đổ vụn bởi sạt lở.

Ghi nhận của chính quyền địa phương, tình hình sạt lở bờ biển có xu hướng tiến dần về phía bắc và diễn biến phức tạp tại đoạn giáp cuối đuôi đê ngầm với chiều dài khoảng 400 - 500m.

Ông Nguyễn Thành Công - Phó Chủ tịch UBND phường Cẩm An thông tin, tình trạng sạt lở bờ biển xuất hiện ở cả 3 khối phố giáp biển của phường. Trong đó, đường bờ tại khu vực khối phố An Bàng và khối phố Tân Thành ở thời điểm hiện tại đã được cát bồi đắp tuy nhiên vẫn có một số vị trí tạo vách đứng cao 3 - 5m, nguy cơ mất an toàn khi có triều cường, sóng lớn.

Theo ông Trương Xuân Tý - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam, hiện nay trên địa bàn tỉnh có hơn 80 vị trí sạt lở bờ sông. Bờ biển từ thôn An Lương đến thôn Trung Phường (xã Duy Hải, Duy Xuyên) bị sạt lở khoảng 1km, nước biển xâm thực vào đất liền 5 - 10m, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của hơn 50 hộ dân.

Sạt lở cũng xảy ra ở xã Tam Thanh (TP.Tam Kỳ), thôn Bình Trung (xã Tam Hải, Núi Thành), một số đoạn thuộc Hà Lộc (Tam Tiến, Núi Thành). Riêng sạt lở tại xã Tam Tiến, UBND tỉnh đã có công văn đề xuất các bộ, ngành Trung ương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ kinh phí để đầu tư hạng mục kè chống xói lở khẩn cấp bờ biển.

Trước mắt, Sở NN&PTNT đề nghị các địa phương tổ chức cắm biển cảnh báo tại những khu vực bị sạt lở và có nguy cơ cao xảy ra sạt lở. Bên cạnh kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông và vùng ven biển, khắc phục tình trạng mất cân bằng bùn cát để hạn chế nguy cơ sạt lở, ngăn chặn triệt để tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép, Sở NN&PTNT cũng yêu cầu di dời khẩn cấp các hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, bố trí tái định cư theo các hình thức tái định cư xen ghép hoặc xây dựng khu tái định cư tập trung phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương.

Ông Trương Xuân Tý thông tin, một số địa phương đang tập trung xây dựng các công trình khắc phục sự cố sạt lở ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn dân cư, cơ sở hạ tầng quan trọng ven sông, ven biển và rừng phòng hộ ven biển.

Ngoài ra, việc xây dựng, nâng cấp nhà ở, công trình ven sông, ven biển, hoạt động của các phương tiện đường thủy sẽ được kiểm soát, quản lý chặt chẽ hơn, tránh nguy cơ gia tăng tác động đến sạt lở.

Sở NN&PTNT đang phối hợp Sở KH-ĐT, các ngành, địa phương liên quan tổng hợp, rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên để đề xuất, tham mưu UBND tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí thực hiện các chương trình, dự án phòng chống sạt lở trên địa bàn tỉnh và tiếp tục kiến nghị bộ, ngành trung ương tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ đầu tư xử lý khu vực bờ sông, bờ biển sạt lở nguy hiểm trong những năm tiếp theo.

Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: “Có rất nhiều điểm sạt lở chúng tôi chưa thể khắc phục được vì nếu khắc phục hết 125km bờ biển thì cần một nguồn lực rất lớn, tỉnh Quảng Nam không thể đủ sức được. Mong muốn các bộ ngành Trung ương hỗ trợ tỉnh Quảng Nam có nguồn lực khắc phục những đoạn sạt lở xung yếu nhất tại huyện Duy Xuyên, huyện Núi Thành và thành phố Tam Kỳ”

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam triển khai nhiều phương án ứng phó với sạt lở