(Moitruong.net.vn) – Sinh vật gây hại trên cây đước được xác định là loài Giáp xác Sphaeroma terebrans Bate, họ Sphaeromatidae bộ chân đều Isopoda, lớp Malacostraca.
Sinh vật gây hại trên cây đước là loài Giáp xác Sphaeroma terebrans Bate, họ Sphaeromatidae bộ chân đều Isopoda, lớp Malacostraca
Thông tin trên VOV, sáng nay 23/6, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi và Trung tâm Nghiên cứu bảo vệ rừng – Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã đưa ra kết luận về nguyên nhân gây chết rừng đước ngập mặn tại xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi và đề xuất giải pháp phòng trừ.
Tại khu vực trồng rừng ngập mặn ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu thuộc Sông Đầm, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi xuất hiện tình trạng cây đước vàng lá, thối gốc, rễ và chết hàng loạt, với mức độ thiệt hại hơn 60% diện tích.
Qua kiểm tra ban đầu của các cơ quan chuyên môn, trên cây đước xuất hiện một loài sinh vật lạ đục ngay dưới gốc cây, khiến lá chuyển sang màu vàng và chết khô. Loài sinh vật này dài, tròn, khi đụng vào thì co lại. Đây là loài sinh vật chưa từng xuất hiện tại Việt Nam.
Sau khi nghiên cứu, Giáo sư – Tiến sỹ Phạm Quang Thu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo vệ rừng – Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam xác định đây là loài Giáp xác chân đều đục rễ đước có tên Sphaeroma terebrans Bate, thuộc họ Sphaeromatidae bộ chân đều Isopoda, lớp Malacostraca. Sinh vật này từng gây thiệt hại cho nhiều rừng đước trên thế giới từ năm 2004 và trong năm 2016 sinh vật này còn được ghi nhận đã gây hại cho rừng đước tại Trung Quốc.
Theo Giáo sư – Tiến sỹ Phạm Quang Thu, hiện nay chưa có giải pháp hữu hiệu để diệt trừ loài giáp xác này; trước mắt là chặt bỏ, thu gom cây đước, tiêu hủy để tránh lây lan. Về lâu dài, tỉnh Quảng Ngãi sẽ nghiên cứu chọn một số cây trồng khác thay thế cây đước trồng tại những vùng ngập mặn ven biển.
Ông Phí Quang Hiển – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Căn cứ theo kiến nghị các nhà khoa học đã đưa ra giải pháp cụ thể theo GS-TS Phạm Quang Thu thì trước mắt phải hủy toàn bộ số cây đước để tránh tình trạng lây lan sang rừng đước tự nhiên, nếu không sẽ lây lan và gây hư hại lớn hơn. Nếu giải pháp về thuốc thì hiện nay theo Chi cục Bảo vệ thực vật thì trong số 3.000 danh mục hiện nay không có loại thuốc nào phòng trừ loại giáp xác này”.
Quang Huy