Các nhà máy đường ở địa phương dừng hoạt động, nhiều vùng trồng mía của người dân Quảng Ngãi dần chuyển đổi sang cây trồng khác hiệu quả hơn. Thậm chí có địa phương, người nông dân đã đưa cây mía ra khỏi danh sách cây trồng của xã. Một số diện tích còn lại nằm trong diện trồng một năm để gốc 3 năm, chứ người dân không trồng mới.
Hiện nay, nếu như đến các địa phương ở Quảng Ngãi và nhắc đến cây mía thì nhiều nông dân thể hiện sự ngán ngẩm. Bởi lợi ích kinh tế mà loại cây này mang lại quá thấp.
Nông dân Quảng Ngãi đang dần chán cây mía
Xã Nghĩa Lâm trước đây được xem là thủ phủ mía của huyện Tư Nghĩa (tỉnh Quảng Ngãi). Đã có thời điểm, diện tích trồng mía của cả xã lên đến 270ha. Khắp các gò đồi hay đồng ruộng bao phủ bởi 1 màu xanh ngút ngàn của cây mía. Thế nhưng, bây giờ tới đây để tìm được 1 ruộng mía cũng rất khó. Nếu có thì cũng chỉ một vài diện tích nhỏ trong vườn nhà của người dân.
UBND xã Nghĩa Lâm cho rằng, việc cây mía kém hiệu quả và người dân chuyển qua các loại cây trồng khác tại địa phương là hợp lý. Đến nay, từ một nơi từng là vựa mía của huyện thì Nghĩa Lâm bây giờ đã không còn diện tích mía.
Toàn bộ 270 ha diện tích mía trước đây người dân đã chuyển qua các loại cây khác, trong đó có 190 ha cây sắn, 20 ha cây ngô, 30 ha cây keo, 7 ha ớt, 10 ha trồng cỏ chăn nuôi, 13 ha đậu các loại. Nhìn chung là đất đều chuyển đổi sản xuất hết, không có diện tích nào bỏ hoang. Địa phương cũng rất khuyến khích người dân chuyển đổi qua các loại cây có giá trị kinh tế hơn.
Không riêng gì ở huyện Tư Nghĩa, mà các huyện khác ở tỉnh Quảng Ngãi có diện tích trồng mía như Sơn Tịnh, Đức Phổ, Mộ Đức, Bình Sơn… cũng đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
UBND tỉnh đã quy hoạch vùng chuyên canh cây mía tập trung đến năm 2025 với 4.400ha. Tuy nhiên, trước tình cảnh khủng hoảng của ngành mía đường chưa có giải pháp khắc phục, khiến sản phẩm làm ra của người nông dân không có nơi tiêu thụ như hiện nay, thì việc đạt diện tích mía theo quy hoạch của tỉnh sẽ hết sức khó khăn.
Minh Anh