Quảng Ngãi: Người trồng hoa “đánh cược” với thị trường

Như Đồng|11/10/2021 14:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Để chuẩn bị cho vụ hoa Tết Nguyên đán 2022, nông dân trồng hoa trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã bắt đầu xuống giống các loại hoa dài ngày. Thời tiết hiện khá thuận lợi cho vụ sản xuất, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều nông dân tỏ ra khá dè dặt và lo lắng cho thị trường cuối năm.

Dè dặt xuống Cúc tết

Những năm trước, vào thời điểm này, gia đình bà Nguyễn Thị Than ngụ thôn Thế Bình, xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa) đã tất bật xuống giống khoảng 500 chậu hoa cúc các loại để phục vụ thị trường hoa Tết. Làm không xuể, gia đình phải thuê nhân công để kịp thời vụ. Thế nhưng năm nay, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, lo ngại không bán được hoa nên gia đình bà đã giảm phân nửa lượng hoa so với mọi năm.

“Năm nay trồng số lượng ít, cũng không thuê nhân công. Trồng nhiều sợ không bán được”, bà Than lo lắng.

Người trồng hoa tết trong tỉnh giảm số lượng trồng so với mọi năm

Dù đã chuẩn bị đầy đủ chậu, đất, cây giống để trồng 1.000 chậu cúc các loại, nhưng lo ngại sự biến động của thị trường trong bối cảnh dịch Covid-19 nên bà Nguyễn Thị Hạnh, ở thôn Phú Mỹ, xã Nghĩa Mỹ (Tư Nghĩa) chỉ mới trồng 200 chậu cúc. Số lượng còn lại, bà Hạnh vẫn đang đắn đo, không biết có nên tiếp tục xuống giống trồng vụ Tết.

“Đang bắt đầu vào vụ trồng cúc bán Tết, nhưng tôi vẫn còn băn khoăn, lo lắng, vì đầu ra của hoa cúc chậu phần lớn được tiêu thụ mạnh ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Trong khi đó, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, sẽ hạn chế thị trường tiêu thụ, nên tôi và những hộ khác không dám trồng nhiều, nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại”, bà Hạnh chia sẻ.

Ảnh hưởng dịch Covid – 19 nhiều hộ trồng hoa gặp khó khăn, chật vật tìm đầu ra

Theo ông Nguyễn Minh Vương- Chủ nhiệm Câu lạc bộ trồng hoa thanh niên Nghĩa Hiệp, năm nay, tình hình dịch bệnh khó khăn, phần lớn các gia đình trồng ít hơn so với các năm.

“Câu lạc bộ cũng khuyến cáo các thành viên cần giảm số lượng hoa, đề phòng khả năng cuối năm thị trường tiêu thụ hạn chế”, ông Vương nói.

Lo lắng đầu ra

Nghĩa Hiệp được xem là thủ phủ trồng hoa tết ở Quảng Ngãi, chủ yếu là hoa cúc, hoa hồng. Đây cũng là vựa hoa lớn nhất, nhì của khu vực miền Trung. Tuy nhiên, từ năm 2020, dịch Covid-19 đã làm khá nhiều hộ trồng hoa lao đao. Thị trường ở một số tỉnh lân cận như Bình Định, Quảng Nam tiêu thụ chậm, người dân trồng hoa phải chật vật tìm đầu ra.

Người trồng hoa dè dặt xuống Cúc tết, tập trung vụ rau màu cuối năm

Cá biệt, còn có tình trạng các đầu mối tiêu thụ chấp nhận mất tiền cọc chứ không mua hoa giao hẹn lúc đầu với chủ vườn. Chính vì vậy, hộ nào bán được thì còn thu hồi vốn, có tiền đầu tư năm sau, còn nếu không bán được, nhà vườn có nguy cơ mất trắng.

Năm nay, sợ tái diễn tình trạng trên, hầu hết các nhà vườn đều xuống giống dè dặt hơn, chỉ xuống giống với số lượng vừa đủ để cung cấp cho thị trường Tết. Theo người dân, lượng hoa giảm hơn 35%, chiếm đa số vẫn là các chậu nhỏ kích cỡ 50cm – 60cm, số chậu 70cm – 1,2m không nhiều.

Theo khảo sát sơ bộ, riêng trồng các hộ trồng hoa cúc phục vụ tết năm nay đã giảm khoảng 200 hộ so với năm 2020, chỉ còn khoảng 500 hộ tham gia. Ngoài tâm lý lo sợ thị trường tiêu thụ bị ảnh hưởng, người trồng hoa còn bất an vì các yếu tố khác như dịch bệnh, thiên tai. Thực tế, mới đầu vụ nhưng nhiều diện tích đã bị hư hại, người trồng hoa phải tốn chi phí đầu tư, phục hồi lại.

Theo ông Phạm Văn Tân- Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hiệp, năm nay dự báo người trồng hoa sẽ gặp muôn vàn trở ngại do dịch bệnh và thời tiết không thuận lợi. Nhiều hộ giảm diện tích trồng hoa để tập trung cho vụ rau màu cuối năm.

“Địa phương cũng đang lên kế hoạch, tính toán các phương án, chủ động liên kết với các thị trường để hỗ trợ nông dân nếu việc tiêu thụ gặp khó khăn”, ông Tân cho biết.

Như Đồng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Quảng Ngãi: Người trồng hoa “đánh cược” với thị trường
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.