Quảng Ninh: Cần giải pháp đồng bộ đảm bảo an toàn mùa mưa bão

Minh Kiên|02/07/2021 12:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Trước những diễn biến bất thường của mưa bão năm 2021, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị và các ngành liên quan xây dựng nhiều giải pháp, phương án đảm bảo an toàn tuyệt đối các hồ đập và hệ thống đê trên địa bàn.

Khi thiên tai xảy ra, những khu vực hứng chịu hậu quả đầu tiên và nặng nề nhất ở tỉnh  là vùng dân cư ở chân đồi núi dễ bị sạt lở, hoặc các vùng trũng dễ bị ngập úng; các hoạt động khai thác than, sản xuất thủy sản, hoạt động vận tải, du lịch biển…

Được biết, hằng năm các công ty thủy lợi trên địa bàn tỉnh đều tiến hành kiểm tra toàn bộ công trình hồ, đập, kênh mương quản lý để phân loại, đánh giá xây dựng kế hoạch, triển khai sửa chữa các hạng mục công trình xung yếu, cũng như kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn các hồ chứa trên địa bàn. Từ đó, lập danh sách những hồ chứa hư hỏng, xuống cấp và tham mưu tỉnh có phương án đầu tư xây dựng, tu bổ nhằm bảo đảm an toàn cho các công trình và người dân sống ở khu vực lân cận và hạ lưu các hồ chứa nước trên địa bàn.

Tuyến đê Quan Lạn (Vân Đồn) được xây dựng kiên cố góp phần đảm bảo cho việc phòng chống thiên tai.

Những năm gần đây, nhiều hồ đập chứa nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã được phê duyệt quy trình vận hành điều tiết và được xây dựng phương án xả lũ vùng hạ du trong mùa mưa bão. Nhất là tại các hồ chứa có dung tích lớn như: Yên Lập, Đầm Hà Động, Tràng Vinh đều đã được lắp đặt hệ thống quan trắc tự động phục vụ vận hành theo thời gian thực của hồ chứa.

Gần đây, Quảng Ninh cũng đã đầu tư mạnh cho công tác trồng rừng ngập mặn, trong đó năm 2021 sẽ trồng mới, trồng bổ sung 1.200ha rừng ngập mặn, nhằm góp phần bảo vệ đê điều, ứng phó biến đổi khí hậu. Theo các nhà khoa học, chỉ cần 200m rừng ngập mặn tươi tốt sẽ có tác dụng chắn sóng tương đương một công trình kè bê tông.

Cùng với đó, các hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản của Quảng Ninh hiện nay cũng phát triển theo hướng tăng tính chống chịu với bão lũ, hài hòa với môi trường, không chỉ bảo vệ được tài sản, mà còn thúc đẩy xu hướng phát triển tiến ra biển.

Đối với hệ thống đê biển, công trình hồ đập, kể cả khi đã được đầu tư hoàn thiện thì công tác bảo vệ, bảo dưỡng, duy tu thường xuyên là rất cần thiết. Những công trình này trong thời gian vận hành luôn chịu nhiều tác động tự nhiên, dẫn đến dễ hình thành những hư hỏng nhỏ. Sự hư hỏng này nếu được phát hiện, xử lý sớm sẽ hoàn toàn không gây ra hậu quả, nhưng nếu để chậm, muộn, thì sẽ ngược lại. Vì vậy, trong quản lý các công trình thủy lợi, xử lý sớm là yêu cầu cơ bản, bắt buộc và có tính tiên quyết, tuy nhiên, hiện không phải đơn vị quản lý nào cũng thực hiện tốt.

Bên cạnh đó, tình trạng nuôi trồng thủy sản tự phát, thiếu tính quy hoạch trên toàn tỉnh vẫn chưa được xử lý, dẫn đến thiếu an toàn khi mùa mưa bão đến. Tình trạng các cảng, bến, điểm tránh trú bão đã được quan tâm đầu tư, song thiếu đồng bộ, chất lượng một số công trình chưa đảm bảo, dẫn đến có công trình đã kết thúc đầu tư mà không quyết toán, cũng như công bố điểm tránh trú bão an toàn được.

Thêm nữa, nhiều vùng dân cư sinh sống ở các khu vực có nguy cơ cao bị sạt lở đất khi mưa lũ vẫn chưa có hướng xử lý phù hợp, trong khi đó không ít nơi vẫn hình thành những trường hợp xây dựng nhà ở mới tại những vị trí nguy hiểm về sạt lở này.

Có thể khẳng định, Quảng Ninh đã và đang triển khai hiệu quả công tác phòng chống lụt bão, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ an toàn các công trình thủy lợi nói chung và hồ, đập nói riêng khi mưa bão, nước lũ đổ về là giải pháp tốt nhất để ngăn ngừa các hậu quả thiệt hại xảy ra về người và của. Đặc biệt với vai trò của hệ thống thủy lợi trong phát triển sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn và sinh hoạt của người dân trong tỉnh, việc bảo vệ an toàn các công trình hồ, đập càng có ý nghĩa vô cùng quan trọng, qua đó góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, nhất là phát triển nông nghiệp, ổn định đời sống nhân dân trên địa bàn.

Minh Kiên

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ninh: Cần giải pháp đồng bộ đảm bảo an toàn mùa mưa bão