Bệnh viêm da nổi cục trên gia súc là bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện tại Việt Nam, có tốc độ lây lan tương đối nhanh và gây thiệt hại về năng suất do giảm mạnh sản lượng sữa, giảm khả năng sinh sản, sảy thai, tổn thương da, giảm tăng trọng; gia súc có thể chết và gây tổn thất nặng nề về kinh tế đối với người chăn nuôi. Ca bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò đầu tiên ở Quảng Ninh được phát hiện vào ngày 14/11/2020 tại khu Minh Hòa, phường Đông Mai, TX Quảng Yên.
Ảnh minh họa
Từ đầu năm đến nay đã xuất hiện bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò ở 4 xã, huyện Bình Liêu: Lục Hồn, Đồng Tâm, Vô Ngại và Húc Động, với tổng số 55 con mắc bệnh. Theo bà Lê Thị Thu Hương, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện, ngay khi phát hiện bệnh trên đàn gia súc, huyện đã thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống. Trong đó nhanh chóng phun tiêu độc, khử trùng ở khu vực ổ dịch và vùng giáp ranh; cắm biển cảnh báo khu vực có gia súc bệnh… Phòng NN&PTNT huyện cũng thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật đến tận các hộ chăn nuôi trên địa bàn để kiểm tra, theo dõi tình hình, vận động các hộ chăn nuôi khi có dấu hiệu xuất hiện bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò cần báo ngay cho thú y cơ sở diễn biến, để có biện pháp phòng ngừa sớm và hướng dẫn chữa trị. Đến nay, tình hình dịch bệnh trên địa bàn huyện đã được kiểm soát, trong 20 ngày qua không phát sinh ổ bệnh mới.
Còn tại TX Đông Triều, ngay khi phát hiện 6 con bò bị bệnh viêm da nổi cục thuộc 4 hộ chăn nuôi trên địa bàn xã Bình Khê, thị xã đã nhanh chóng triển khai các biện pháp khoanh vùng, dập dịch. Cán bộ Phòng Kinh tế thị xã kịp thời hướng dẫn người dân biện pháp cách ly bò dịch; tiêm vắc xin cho trâu, bò trên địa bàn. Đồng thời, thực hiện chữa trị cho số lượng bò mắc bệnh.
Ngay khi phát hiện các trường hợp bệnh trên đàn trâu, bò, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã cử cán bộ kỹ thuật bám sát địa bàn tại địa phương có dịch. Qua đó, kịp thời hỗ trợ địa phương tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn cán bộ chuyên môn, chủ trang trại, hộ chăn nuôi gia súc trên địa bàn cách nhận biết biểu hiện, triệu chứng bệnh; kỹ thuật lấy mẫu xét nghiệm và xử lý ổ dịch viêm da nổi cục; chủ động tuyên truyền, tập huấn phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, tổ chức giám sát, khử trùng tiêu độc chuồng trại, phun thuốc tiêu diệt các vật chủ trung gian truyền bệnh. Hiện toàn tỉnh đã cấp phát, sử dụng 8.376 lít hóa chất, 5.580kg vôi bột để chống dịch.
Các địa phương trong tỉnh cũng nhanh chóng triển khai công tác tiêm vắc xin viêm da nổi cục cho đàn trâu, bò để phòng dịch. Hiện trên địa bàn tỉnh đã có 10/13 huyện, thị xã, thành phố tổ chức tiêm phòng vắc xin viêm da nổi cục, tổng số đã tiêm 43.199 liều/55.994 con thuộc diện tiêm (đạt 77,15% tổng đàn). Trong đó có 6 địa phương tỷ lệ tiêm đạt yêu cầu chống dịch gồm: Quảng Yên (100% tổng đàn), Cẩm Phả (99% tổng đàn), Ba Chẽ (100% tổng đàn), Đầm Hà (96% tổng đàn), Hải Hà (96% tổng đàn), Móng Cái (92% tổng đàn).
Đến thời điểm hiện tại, dịch bệnh viêm da nổi cục cơ bản đã được kiểm soát tốt, đã qua 20 ngày toàn tỉnh không phát sinh ổ dịch mới. Theo ông Trần Xuân Đông, Chi Cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, hiện ngành Nông nghiệp tỉnh đang tập trung phối hợp với các địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục. Trong đó, tập trung kiểm soát, xử lý dứt điểm các ổ dịch theo đúng quy định, không để dịch bệnh lây lan, dây dưa kéo dài; tổ chức tốt việc tiêm vắc xin; giám sát, phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo, xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh. Đồng thời, hướng dẫn chủ chăn nuôi trâu, bò tăng cường áp dụng các biện pháp chủ động phòng dịch; tổ chức tổng vệ sinh, sát trùng, tiêu độc; giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán trâu, bò, sản phẩm từ trâu, bò…
Minh Kiên