(Moitruong.net.vn) – Ngày 19/02/2017, Tạp chí điện tử Moitruong.net.vn có đăng bài: “Quảng bình: Tài nguyên khoáng sản đang “chảy máu”.” Phản ánh công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Quảng Bình còn khá lỏng lẻo, bộc lộ không ít hạn chế, đã tạo nhiều kẻ hở để cho các doanh nghiệp lợi dụng khai thác, mua bán trái phép tài nguyên khoáng sản. Sau khi bài báo phát hành phóng viên Moitruong.net.vn đã nhận được nhiều ý kiến của quần chúng nhân dân phản ánh tình trạng buông lỏng quản lý của lãnh đạo huyện Quảng Trạch để cho cá nhân, doanh nghiệp khai thác trái phép tài nguyên mang đi bán kiếm lời.
Bài 1: Quảng Bình: Tài nguyên khoáng sản đang “chảy máu”
Xe, máy xúc đang khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép tại thôn Phù lưu, xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch
Chính quyền thiếu trách nhiệm.
Như đã thông tin trên số báo trước, tình trạng khai thác đất rừng để bán kiếm lời diễn ra ồ ạt tại Công ty TNHH một thành viên Lâm công nghiệp Bắc Quảng Bình(Công ty Lâm công nghiệp Bắc Quảng Bình) thuộc xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch diễn ra hơn 2 năm nay nhưng chính quyền địa phương không có biện pháp ngăn chặn. Nguyên nhân là do Công ty Lâm công nghiệp Bắc Quảng Bình trả lại 720.902,0m2 đất rừng sản xuất, nhưng do UBND xã chậm xây dựng phương án giao đất cho các hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất theo đúng quy định.
Ông Trần Quang Đảm – Chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc Công ty Lâm công nghiệp Bắc Quảng Bình trao đổi với PV
Để làm rõ thông tin trên, phóng viên đã liên hệ làm việc với ông Trần Quang Đảm – Chủ tịch HĐQT, kiêm giám đốc Công ty Lâm công nghiệp Bắc Quảng Bình, ông cho biết: Hiện nay diện tích 720.902,0m2 đất rừng sản xuất như các anh phản ánh không thuộc diện quản lý của công ty nữa, vì năm 2015 Công ty chúng tôi đã tự nguyện trả lại số diện tích trên và UBND tỉnh cũng đã có quyết định thu hồi và giao cho các đơn vị, chính quyền có liên quan quản lý.
Ông Đảm cũng cho biết thêm nguyên nhân vì sao đất rừng được khai thác mang đi bán một cách dễ dàng mà không bị ai kiểm tra nhắc nhở, là do tỉnh chưabàn giao cho các đơn vị quản lý theo quy định. Đáng nhẽ ra, mặc dù tỉnh chưa giao đất lại cho cá nhân cụ thể nào sử dụng thì chính quyền Huyện và Xã phải có trách nhiệm quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn theo luật khoáng sản.
Lãnh đạo huyện Quảng Trạch “đi họp” hay né tránh báo chí ?
Qua thời gian tìm hiểu, tiếp cận đến các khu mỏ có trữ lượng tài nguyên khoáng sản đang bị “chảy máu” do sự buông lỏng quản lý. Phóng viên đã nhiều lần liên hệ với các cơ quan chức năng và chính quyền huyện Quảng Trạch để làm rõ nguyên nhân nhưng PV luôn nhận được sự trốn tránh của lãnh đạo huyện Quảng Trạch với lý do “đi họp”.
Xe vận chuyển đất, cát ngang nhiên, thường xuyên liên tục chạy qua trước cổng của UBND huyện Quảng Trạch.
Ngày 20/2, PV tiếp tục đến trụ sở UBND huyện Quảng Trạch, tại các phòng Chủ tịch, phó chủ tịch, chánh văn phòng đều khóa cửa kín, điện thoại liên hệ với Chủ tịch huyện “không bắt máy”, liên hệ với trưởng phòng Tài nguyên môi trường lại bận họp. Tiếp đó ngày 21/2, PV một lần nữa mong được gặp lãnh đạo huyện Quảng Trạch, thế nhưng lần này cửa phòng Chủ tịch và phó chủ tịch vẫn bị khóa. Phòng của Chánh văn phòng UBND huyện mở cửa nhưng không có người, đợi 15 phút sau ông Phan Xuân Linh – Chánh văn phòng UBND huyện tiếp chúng tôi, ông Linh cho hay; Chủ tịch bận đi họp, Phó chủ tịch bận đi học, Trưởng phòng Tài nguyên môi trường bận đi họp. Phóng viên hỏi ông có nắm bắt được thông tin tài nguyên khoáng sản trên đại bàn huyện đang “chảy máu” không? Ông Linh trả lời: Tôi không được biết.
Sau đó, phóng viên đã đăng ký lịch làm việc kèm theo số điện thoại cũng như nội dung làm việc với Chánh văn phòng UBND huyện, nhưng đến nay Lãnh đạo huyện vẫn chưa bố trí làm việc với phóng viên.
Vậy, câu hỏi đặt ra là, UBND huyện Quảng Trạch “đi họp” hay cố tình né tránh báo chí? Cố tình làm ngơ trước những hoạt động khai thác khoáng sản trái phép xảy ra trên địa bàn huyện?.
Điều đáng nói, các khu vực bị khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép chỉ nằm cách trụ sở UBND huyện Quảng Trạch chừng gần 2 km (thuộc xã Quảng Hưng, Quảng Lưu, Quảng Tiến và xã Cảnh Hóa). Đặc biệt hơn, các xe vận chuyển đất, cát thường xuyên chạy qua trước cổng trụ sở của UBND huyện Quảng Trạch.
Hai bãi cát ngày đêm hoạt động “không phép” của ông Hoàng Nghĩa và ông Lê Đức Dũng tại thôn Kinh Tân, xã Cảnh Hóa, huyện Quảng Trạch
Dư luận và bạn đọc đặt câu hỏi, trách nhiệm quản lý khoáng sản của của UBND huyện Quảng Trạch theo quy định tại “Điều 18, Luật khoáng sản 2010” đến đâu? Mặt khác, UBND huyện Quảng Trạch có cố tình làm ngơ tiếp tay cho những sai phạm trong việc khai thác khoán sản trái phép trên địa bàn Huyện? Lúc nào thì lãnh đạo huyện Quảng Trạch mới hết “đi họp”? Còn rất nhiều câu hỏi mà PV, bạn đọc, dư luận quần chúng nhân dân cần lãnh đạo UBND huyện Quảng Trạch trả lời.
Đề nghị lãnh đạo tỉnh Quảng Bình và các cơ quan chức năng có liên quan sớm vào cuộc điều tra xử lý nghiêm những sai phạm đang làm “chảy máu” tài nguyên khoáng sản tại huyện Quảng Trạch.
Phóng viên Moitruong.net.vn sẽ tiếp tục theo dõi và phản ánh tới quí vị bạn đọc trong những bài báo tiếp theo.
Đại Xuân