Cụ thể, tỉnh đã triển khai những giải pháp góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và Nhân dân về việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Hình thành ý thức khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ nguồn tài nguyên nước thông qua các hội nghị tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tỉnh cũng đẩy mạnh tổ chức tuyên truyền về Ngày Môi trường thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Ngày Đại dương thế giới, Ngày Khí tượng thế giới, Giờ Trái đất...hằng năm với nhiều hình thức phong phú, thiết thực...
Đặc biệt là tăng cường khả năng chống chịu và nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái bằng việc triển khai quy hoạch quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước dưới đất vùng đồng bằng của tỉnh; xây dựng nhiệm vụ quy hoạch lưu vực sông Bến Hải, Thạch Hãn.
UBND tỉnh đã phê duyệt các danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, đăng ký khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh. Các đơn vị hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh phải lắp đặt, quản lý, vận hành thiết bị giám sát hoạt động khai thác tài nguyên nước theo quy định và kết nối, truyền số liệu trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường.
Đồng thời triển khai các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nông nghiệp với việc tỉnh tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; nghiên cứu, chọn tạo và áp dụng các giống cây trồng có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp hữu cơ và hình thành hệ sinh thái kinh tế nông nghiệp đồng bộ, bền vững. Nuôi trồng thủy sản tiếp tục được phát triển gắn với đa dạng hóa đối tượng, phương thức nuôi, quản lý quy hoạch vùng nuôi, nhất là nuôi tôm trên cát.
Nhiều giải pháp chống ngập cho các đô thị đã được thực hiện; đầu tư xây dựng các công trình giao thông phục vụ cứu hộ, cứu nạn nhằm hỗ trợ cho các phương án di dân khi xảy ra thiên tai; triển khai các dự án nạo vét luồng lạch tại cảng Cửa Việt, Cửa Tùng...
Tỉnh cũng tích cực hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, đảm bảo tăng trưởng xanh và ứng phó với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, tạo môi trường sống bền vững cho người dân đô thị.
Bằng nguồn vốn vay của Cơ quan Phát triển Pháp, tỉnh Quảng Trị đang triển khai thực hiện dự án “Phát triển đô thị ven biển miền Trung hướng đến tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu thành phố Đông Hà” có tổng mức đầu tư 42,37 triệu Euro. Dự án có các hợp phần: gia cố bờ sông, kênh để tăng khả năng thoát nước; nâng cấp chất lượng không gian cơ sở hạ tầng đô thị; nâng cấp, cải tạo hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị ở khu vực dân cư có thu nhập thấp; tư vấn hỗ trợ kỹ thuật. Mục tiêu nhằm nâng cao điều kiện sống của người dân thành phố Đông Hà; hỗ trợ thành phố về nâng cao khả năng thích ứng với các điều kiện thời tiết cực đoan, đưa Đông Hà trở thành hình mẫu về phát triển đô thị bền vững lâu dài.
Ghi nhận thực tế, trong năm 2022, tỉnh Quảng Trị đã hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu về biến đổi khí hậu của địa phương và đã hỗ trợ tích cực các cơ quan nhà nước trong công tác quản lý, theo dõi, giám sát, đánh giá và đề ra các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính… Đảm bảo an toàn cho hệ thống công trình thủy lợi, công trình phòng tránh thiên tai với việc quan tâm đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn thích ứng với thiên tai trong điều kiện biến đổi khí hậu...
Ngày 6/9/2023, UBND tỉnh Quảng Trị ban hành Quyết định số 2019/QĐ-UBND về “Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh Quảng Trị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, trong đó đối với lĩnh vực tài nguyên nước là tiến hành lập và thực hiện kế hoạch điều hòa, phân bổ tài nguyên nước; nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên nước theo hướng tổng hợp thống nhất nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của các ngành, địa phương trong tỉnh; giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước; phòng, chống, khắc phục hậu quả, tác hại do nước gây ra theo quy định của pháp luật. Có thể thấy, bằng những giải pháp cụ thể và tích cực, tỉnh Quảng Trị đang quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước để thích ứng với biến đổi khí hậu.
Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng suy giảm nguồn nước mặt, cũng như nước ngầm do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH). Bên cạnh đó, nước biển dâng cao, xâm nhập mặn, quá trình công nghiệp hoá, đô thị hóa, sự gia tăng dân số... đang đe dọa đến an ninh nguồn nước.
Theo thống kê, Việt Nam hiện có 3.450 sông, suối, trong đó 405 sông, suối liên tỉnh; 3.045 sông, suối nội tỉnh. Biến đổi khí hậu đang tác động trực tiếp và sâu sắc đến tài nguyên nước của Việt Nam, làm thay đổi vòng tuần hoàn nước trong tự nhiên. Từ đó, gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan, làm giảm chất lượng, suy thoái nguồn nước, gia tăng xâm nhập mặn và nước biển dâng.
Bên cạnh đó, tình trạng sử dụng nước trong sản xuất nông nghiệp cũng đặt ra thách thức cho hệ thống cấp nước; hàng nghìn đập thủy lợi, thủy điện để bảo đảm an ninh nguồn nước đang xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Mặt khác, ô nhiễm nguồn nước cũng là vấn đề lớn đối với quốc gia, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội.