Tân Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn sinh ngày 23/9/1960 tại Đồng Hới, Quảng Bình. Ông từng đảm nhận các chức vụ như: Vụ trưởng – Trưởng cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại Thành phố Đà Nẵng; Giám đốc Trung tâm Thông tin công tác tư tưởng, Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương; Giám đốc Trung tâm Thông tin công tác tư tưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, đồng chí Trương Minh Tuấn được Đại hội bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét. Xuất thân là sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam nên đã tạo cho ông phong cách làm việc xông xáo, quyết liệt trong công việc; còn với tình cảm ông luôn ân cần, gần gũi và được đồng đội và nhân dân tin yêu, quý mến.
Đặc biệt, khi được Đảng, Nhà nước phân công về cơ quan quản lý nhà nước giữ chức Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông đã phát huy kinh nghiệm công tác từ các cơ quan đã từng công tác trước đây ông đã giải quyết công việc quyết liệt, quyết đoán nhưng rất có tình, có lý, được đồng nghiệp tin tưởng và kính trọng. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông đã cùng tập thể Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông đoàn kết, đồng thuận, lãnh đạo Ngành Thông tin và Truyền thông phát triển nhanh, bền vững trên 5 lĩnh vực quản lý ngành gồm: bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, báo chí, xuất bản. Tất cả các lĩnh vực thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông đều có sự phát triển không ngừng, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị cũng như mọi chỉ tiêu, kế hoạch đề ra cho từng năm và cả nhiệm kỳ. Ngành Thông tin và Truyền thông ngày càng khẳng định sự phát triển bền vững và có những đóng góp to lớn vào sự phát triển chung của đất nước trên nhiều phương diện. Lĩnh vực báo chí, xuất bản do ông trực tiếp phụ trách luôn phát huy vai trò trên mặt trận tư tưởng, thông tin tuyên truyền đắc lực và hiệu quả chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước tới các tổ chức, đoàn thể chính trị – xã hội, phục vụ tốt nhu cầu tri thức, thông tin và văn hóa đọc của nhân dân trong và ngoài nước. Lĩnh vực CNTT, viễn thông với vai trò là hạ tầng thiết yếu hàng đầu, là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội đang thâm nhập mạnh mẽ và có mặt ở khắp mọi nơi của đời sống xã hội, từ cơ quan nhà nước đến các tổ chức, đơn vị. Dịch vụ viễn thông đã thay đổi từ dịch vụ có giá cước cao trở thành bình dân, phục vụ thiết yếu cho cuộc sống thường ngày của người dân. Dịch vụ bưu chính, xuất bản, CNTT cùng với hệ thống báo chí, phát thanh truyền hình đã góp phần rất hiệu quả vào việc xóa, giảm nghèo về thông tin cho nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo.
Đối với công tác thông tin tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo, thông tin đối ngoại và đưa thông tin cơ sở luôn được tân Bộ trưởng Trương Minh Tuấn và các đồng chí lãnh đạo Bộ đặc biệt quan tâm định hướng, chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Tính đến thời điểm này, Bộ TT&TT đã phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tổ chức thành công 52 cuộc triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – những bằng chứng lịch sử và pháp lý” tại 35 tỉnh, thành phố, 10 điểm đảo, huyện đảo và 7 đơn vị lực lượng vũ trang trên toàn quốc. Đích thân ông đã từng 6 lần đến thăm và làm việc tại quần đảo Trường Sa thân yêu của Tổ quốc (ở mỗi cương vị công tác khác nhau). Với cá nhân Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, mỗi lần đến với Trường Sa là những kỷ niệm thật xúc động, khó quên. Ông không chỉ đến với tư cách là đại biểu, là thành viên trong đoàn công tác mà ông trở về bên cạnh những đồng đội của mình để hàn huyên, tâm sự với tình cảm rất đỗi thân thương, chân thành của người cựu chiến binh như ông.
Nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV đã bắt đầu, với trách nhiệm Tư lệnh ngành Thông tin và Truyền thông – Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn luôn trân trọng những thành quả, những đóng góp to lớn của các thế hệ lãnh đạo đi trước; lãnh đạo Tổng cục Bưu điện, Bộ Bưu chính, Viễn thông trước đây và này là Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như những đóng góp của các thế hệ cán bộ, nhân viên và người lao động trong toàn Ngành Thông tin và Truyền thông trong suốt chặng đường hơn 70 năm qua. Và nay bước vào giai đoạn phát triển mới ông sẽ cùng tập thể Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của ngành Thông tin và Truyền thông, chung sức, đồng lòng, vượt qua khó khăn thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Tân Bộ trưởng Trương Minh Tuấn luôn trân trọng, tri ân và tiếp nối những thành quả người tiền nhiệm – nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, một người đồng đội, người anh và người lãnh đạo rất đáng kính đã có những đóng góp to lớn cho ngành Thông tin và Truyền thông trong nhiệm kỳ 5 năm vừa qua để xứng đáng với truyền thống 10 chữ vàng “Trung thành – Dũng cảm -Tận tụy – Sáng tạo – Nghĩa tình” mà các đồng chí lãnh đạo Bộ qua các thời kỳ, các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành thông tin và truyền thông đã xây dựng.
Trên cương vị Tư lệnh ngành Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn chia sẻ, kế hoạch 5 năm sắp tới với Bộ Thông tin và Truyền thông là rất nặng nề. Do vậy, cá nhân Bộ trưởng, tập thể Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ, cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành cần chủ động bám sát Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XII và chỉ đạo của Chính phủ, sớm xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII nhằm cụ thể hóa những giải pháp và mục tiêu mà Đại hội đã đề ra cho ngành Thông tin và Truyền thông thành những mục tiêu và giải pháp cụ thể để đưa ngành Thông tin và Truyền thông tiếp tục là ngành tiên phong trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2020 đưa nước ta về cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Trước mắt, năm 2016 là năm có vị trí hết sức quan trọng, đây là năm toàn Đảng, toàn dân triển khai thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XII và kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2016 – 2020 mà Đại hội đã đề ra đòi hỏi chúng ta cần phải khẩn trương, nghiêm túc bắt tay vào triển khai các nhiệm vụ ngay để đạt kết quả tốt nhất./.
Theo Mic.gov.vn