Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, vừa qua Bộ Thương mại Indonesia đã công bố Quy định số 40/2020 về việc bắt buộc sử dụng tàu vận tải biển và dịch vụ bảo hiểm của các công ty Indonesia, trong hoạt động xuất nhập khẩu than đá, dầu cọ và gạo với các nước. Quy định này có hiệu lực từ ngày 1/5/2020.
Với 25 Điều khoản, Quy định số 40/2020 của Bộ Thương mại Indonesia áp dụng đối với hoạt động xuất khẩu than đá (gồm các mã HS: 27.01, 27.02, 27.03 ,27.04, 27.05, 27.06, 27.07 và 27.08) và dầu cọ thô (mã HS:15.11.10.00) từ Indonesia ra nước ngoài; hoạt động nhập khẩu gạo (mã HS: 10.06) và các loại hàng hóa thuộc diện mua sắm của chính phủ từ nước ngoài vào Indonesia.
Cảng Tanjung Priok, Indonesia.
Đáng chú ý, Quy định 40/2020 yêu cầu các doanh nghiệp xuất nhập khẩu than đá, dầu cọ thô, gạo hoặc hàng hóa thuộc diện mua sắm của chính phủ của Indonesia phải sử dụng các phương tiện vận tải biển của doanh nghiệp Indonesia với trọng tải tối đa lên tới 15.000 tấn.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của phía Indonesia cũng được xin miễn trừ việc sử dụng dịch vụ vận tải biển và bảo hiểm của Indonesia, trong một số trường hợp nhất định nhưng phải có sự đồng ý của Bộ Thương mại Indonesia.
Với những quy định mới từ phía Indonesia, Bộ Công Thương lưu ý Hiệp hội, doanh nghiệp xuất, nhập khẩu cần quan tâm toàn văn Quy định số 40/2020 nói trên để tham khảo và kịp thời điều chỉnh hoạt động xuất nhập khẩu nếu cần.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Indonesia trong tháng 3/2020 đạt hơn 823 triệu USD.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Indonesia đạt 284,2 triệu USD. Kim ngạch nhập khẩu chiếm 65% tổng hai chiều, đạt 538,9 triệu USD. Tính chung 3 tháng đầu năm 2020, Việt Nam nhập siêu từ thị trường Indonesia lên đến 1,33 tỉ USD. Kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 843 triệu USD.
Trước đó, Australia cũng vừa thay đổi điều kiện xuất khẩu tôm vào nước này và yêu cầu phải được rút bỏ chỉ (tĩnh mạch) để giảm lượng bào tử gây bệnh vi bào tử trùng ở tôm (EHP). Việc trên phải được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận, 100% sản phẩm phải đóng dấu niêm phong khi thông quan nhập khẩu. Những lô hàng không đáp ứng đủ các điều kiện như vừa nêu sẽ được hướng dẫn tái xuất hoặc tiêu hủy và xử lý.
Hồng Anh (t/h)