Điện gió ngoài khơi: Việt Nam có tiềm năng lớn nhất Đông Nam Á

Mai An (t/h)|22/05/2020 08:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Với tiềm năng điện gió ngoài khơi lên đến 160 GW, Việt Nam là một trong những nước có tiềm năng điện gió ngoài khơi lớn nhất Đông Nam Á.

Tiềm năng điện gió lớn nhất Đông Nam Á

Do nhu cầu tiêu thụ điện gia tăng nhanh chóng, trung bình khoảng 10% một năm trong thập kỷ vừa qua cùng với sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu, Việt Nam bắt buộc phải tìm kiếm thêm các nguồn năng lượng sạch để đưa vào Quy hoạch Phát triển điện quốc gia trong 10 năm tới (Tổng sơ đồ điện 8). Cục Năng lượng Đan Mạch đã và đang hỗ trợ việc xây dựng quy hoạch này.

Với hơn 3.000km bờ biển và một số khu vực có lượng gió lớn nhất ở Đông Nam Á, Việt Nam được coi là thị trường triển vọng nhất cho điện gió ngoài khơi. Báo cáo đầu vào cho lộ trình phát triển điện gió ngoài khơi, được xây dựng với sự hỗ trợ của Cục Năng lượng Đan Mạch, cung cấp các kết quả phân tích định lượng, đánh giá tiềm năng, phân khu và xếp hạng các khu vực gió ngoài khơi, tính toán chi phí giá và phân tích truyền tải, đấu nối. Ngoài ra, báo cáo cũng đề cập đến nhiều vấn đề như các quy định pháp lý, quy trình cấp phép, khả năng hình thành chuỗi cung ứng ở Việt Nam, cơ chế khuyến khích hỗ trợ và các yếu tố quan trọng khác trong việc hình thành ngành công nghiệp gió ngoài khơi ở Việt Nam.

Những phát hiện sơ bộ được trình bày tại hội thảo trực tuyến đã chỉ ra rằng, tiềm năng kỹ thuật gió ngoài khơi của Việt Nam là 160 GW. Đây là con số khổng lồ nếu so sánh với 29 GW điện gió ngoài khơi đã được lắp đặt trên toàn cầu tính đến cuối năm 2019. Ngay cả sau khi đã loại trừ các địa điểm không khả thi do xung đột với các mục đích sử dụng biển khác hoặc vì lý do tài chính, tiềm năng xây dựng điện gió ngoài khơi vẫn còn khá lớn. Nguồn tiềm năng dồi dào này hiện đang thu hút mối quan tâm lớn từ các nhà đầu tư quốc tế.

Ở một khu vực từ lâu vẫn luôn trung thành với nguồn nhiên liệu hóa thạch như Đông Nam Á, thì thị trường năng lượng gió đang lớn mạnh tại Việt Nam rõ ràng là một ví dụ thành công cho ngành năng lượng tái tạo trong năm 2019.

Việt Nam có tiềm năng điện gió ngoài khơi với công suất lên tới 160 GW.

Mục tiêu và tham vọng

Là một trong những quốc gia chịu tác động nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu, Việt Nam đã ra sức đầu tư sản xuất điện gió nhằm bắt kịp nhu cầu năng lượng trong nước đang tăng vọt và giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Việt Nam đang đề ra các mục tiêu phát triển điện gió tham vọng hơn bất kỳ nước nào khác trong khu vực. Song song đó, các chính sách hấp dẫn cũng đã kêu gọi được nhiều nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới.

Tổng công suất điện gió hiện nay là 327 MW. Với nguồn vốn nước ngoài đang tăng lên, Việt Nam dự kiến vào năm 2021 sẽ lắp đặt các dự án điện gió cả ngoài khơi lẫn trong đất liền nhằm nâng công suất lên 1GW. Nếu thành công, Việt Nam sẽ vượt qua Thái Lan để vươn lên dẫn đầu ngành năng lượng gió trong khu vực. Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Asean) phát triển điện gió ngoài khơi với các dự án đã được lắp đặt hiện đạt 99 MW.

Không dừng lại ở đó, trong bản quy hoạch phát triển điện lực quốc gia hiện hành, Việt Nam còn có mục tiêu nâng tổng công suất điện gió lên 6.000 MW vào năm 2030.

Một yếu tố khác thúc đẩy sự phát triển của ngành năng lượng này chính là xu hướng giảm chi phí trong sản xuất, dẫn đến việc giá thành các tuabin gió sẽ ngày càng cạnh tranh hơn trên thị trường, nhất là ở một đất nước mà nhiệt điện còn đóng vai trò chủ đạo.”

Chuyển đổi xanh là vấn đề cấp thiết

Việt Nam với dân số 96,7 triệu người là một trong những quốc gia có nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới. Trong giai đoạn 2016-2020, nhu cầu năng lượng trung bình hằng năm tăng khoảng 10,5%. Các dự báo cho thấy xu hướng này có nhiều khả năng sẽ tiếp diễn đến năm 2030, gây quan ngại về an ninh năng lượng, đặc biệt là ở các khu vực công nghiệp và đô thị lớn.

Ông Olivier Duguet, nhà sáng lập và giám đốc điều hành của công ty Vòng Tròn Xanh (The Blue Circle) tại Singapore, nhận xét: “Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt năng lượng ở miền Nam, nơi có nhu cầu về năng lượng và tốc độ tăng trưởng cao. Hoạt động sản xuất điện truyền thống hiện đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, bao gồm các cuộc biểu tình phản đối xây dựng nhà máy nhiệt điện than. Ngoài ra, tốc độ xây dựng các nhà máy nhiệt điện cũng khó lòng bắt kịp tiến độ sản xuất, dễ dẫn đến nguy cơ thiếu điện trong 2-3 năm tới. Trong khi đó, năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió, lại là nguồn tài nguyên dồi dào ở miền Nam với chi phí thấp và có thể triển khai nhanh chóng”.

Việc sử dụng năng lượng gió không chỉ tăng cường an ninh năng lượng mà còn giải quyết mối lo về giá nhập khẩu than vốn thường biến động.

Tuy mang về lợi ích kinh tế do chi phí thấp, than gây ảnh hưởng đáng kể lên sức khỏe của người dân.

Theo báo cáo chất lượng không khí thế giới năm 2018, 95,5% dân số Đông Nam Á sống ở những khu vực có chất lượng không khí vượt quá mức giới hạn an toàn của Tổ chức Y tế Thế giới.

Hầu hết các nhà máy nhiệt điện than của Việt Nam tập trung ở miền Bắc. Vào tháng 10 năm 2019, chỉ số chất lượng không khí của Hà Nội đã đưa thủ đô vào danh sách các thành phố có độ ô nhiễm không khí cao nhất thế giới. Bà Liming Qiao, giám đốc khu vực Châu Á của Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu nói rằng, có nhiều nguyên nhân gây ô nhiễm không khí ở Việt Nam, tuy nhiên, xỉ than từ nhà máy nhiệt điện là yếu tố nổi bật nhất và sử dụng năng lượng gió chính là giải pháp lý tưởng cho thực trạng này.

Mai An (t/h)

Bài liên quan
  • Bàn giao máy lọc nước cho người dân vùng hạn mặn
    Moitruong.net.vn – Ngày 16/5, Dự án “Ngày nước tái sinh” đã trao tặng ba hệ thống máy lọc nước nhiễm mặn Makano thành nước ngọt cho xã Khánh Bình Tây Bắc (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) và xã Nam Yên, Tây Yên A (huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện gió ngoài khơi: Việt Nam có tiềm năng lớn nhất Đông Nam Á