Rà soát, siết chặt quản lý, hạn chế tiêu cực của thuỷ điện nhỏ và vừa

Mai Anh|05/11/2020 05:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Tại phiên thảo luận chiều 4/11, Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã giải trình về những vấn đề liên quan tới thủy điện được nhiều đại biểu quan tâm.

Đề xuất rà soát các dự án thủy điện nhỏ và vừa

Phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế – xã hội, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) cho rằng, thiên tai bão lụt ở miền Trung thời gian qua có liên quan đến diện tích rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn bị thu hẹp, đòi hỏi việc trồng rừng tái sinh cần được triển khai ngay, giảm nhẹ thiệt hại do mưa lũ gây ra; bởi có rừng sẽ giữ được nguồn nước, giảm nguy cơ lũ lụt, sạt lở đất.

Bà Nguyễn Thị Xuân cũng đề nghị Chính phủ bố trí vốn cho rừng trồng tái sinh, đồng thời đánh giá lại việc đầu tư các dự án thủy điện vừa và nhỏ tại các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung và các tỉnh miền núi phía Bắc; cân nhắc loại bỏ các dự án thủy điện vừa và nhỏ không hiệu quả, thiếu tính khả thi ra khỏi Quy hoạch điện đến năm 2030. Tiếp tục đánh giá hiệu quả của các dự án thủy điện nhỏ và vừa trong cả nước để có quy hoạch phát triển điện hiệu quả bền vững; Quốc hội cũng cần có chuyên đề giám sát việc trồng rừng thay thế của các dự án xây dựng hồ đập và thủy điện trong những năm qua.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại phiên thảo luận chiều 4/11

Cùng quan điểm này, đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) đề nghị Chính phủ rà soát lại toàn bộ hệ thống hồ đập, các dự án thủy điện vừa và nhỏ trên cả nước, đánh giá tác động của các dự án này như thế nào đến môi trường. Từ đó có giải pháp đảm bảo an toàn hồ đập và có thông tin rộng rãi để nhân dân yên tâm.

Siết chặt quản lý thủy điện

Phát biểu về thủy điện – vấn đề được rất nhiều đại biểu thảo luận tại phiên thảo luận kinh tế – xã hội 2 ngày qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, đây cũng là vấn đề được đồng bào cử tri của cả nước rất quan tâm, nhất là trong bối cảnh đang có rất nhiều thiên tai, bão lũ đã tác động đến đời sống kinh tế – xã hội của đất nước và của nhân dân, gây ra nhiều thiệt hại về người và của.

Hiện nay cả nước có 429 đập thủy điện và các công trình thủy điện ở các quy mô khác nhau, dung tích trữ nước khoảng 56 tỷ m3 và đóng một công suất là khoảng 20.000MW, chiếm 37% công suất nền, công suất phát của đất nước.

Ảnh minh họa

“Đây là một nguồn năng lượng rất quan trọng”, ông Trần Tuấn Anh nói. Theo ông, đây là một nguồn năng lượng tái tạo có mức độ ô nhiễm ít và độ phát thải nhà kính gần như không có, do đó việc quản lý và khai thác phải đảm bảo giảm thiểu những tác động đến môi trường và phát huy tối đa hiệu quả.

Người đứng đầu ngành công thương nhìn nhận, thủy điện có cả những mặt tích cực và hạn chế. Về mặt tích cực, thủy điện đóng góp vào phát triển hệ thống điện, năng lượng. “Ngoài chức năng phát điện thì các hồ chứa nước của các đập thủy điện cũng có những tác dụng đóng góp vào tích nước, tùy thuộc vào công suất có thể cắt giảm lũ và điều tiết lũ cũng như phục vụ các nhu cầu phát triển khác của các khu vực địa phương”, ông nói.

Tuy nhiên, mặt tiêu cực là tác động đến môi trường, cả đất, nước và khí hậu cũng như đời sống của dân sinh. “Ở đây là những vấn đề tổng thể và tùy thuộc vào cách thức của con người trong khai thác những nguồn lực của thiên nhiên và nguồn tài nguyên thiên nhiên”, ông Tuấn Anh cho hay.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, từ lâu thủy điện đã được sự quan tâm đặc biệt của Quốc hội, Chính phủ trong hàng loạt các sự giám sát cũng như các yêu cầu cụ thể

“Chúng tôi xin báo cáo với Quốc hội là hằng năm đều có các cuộc kiểm tra, giám sát và báo cáo đầy đủ theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết số 62 của Quốc hội, để báo cáo về độ an toàn hồ đập, hồ thủy điện, sự vận hành của hệ thống thủy điện, đặc biệt trong việc tham gia phòng, chống lụt bão và thực hiện phòng, chống thiên tai tại địa phương…”, ông Tuấn Anh khẳng định.

Ông cho biết, từ năm 2016 đến nay, trong số các dự án bổ sung thủy điện hoàn toàn không có dự án thủy điện nào sử dụng đến đất rừng tự nhiên.

Liên quan đến chỉ đạo của Quốc hội trong việc xem xét, đánh giá hiệu quả của các dự án điện, nhất là thủy điện nhỏ và vừa, Bộ Công Thương trong giai đoạn này đã cùng phối hợp với các bộ, ngành đưa ra khỏi quy hoạch của các thủy điện là 472 dự án, đồng thời đưa ra khỏi quy hoạch này 8 dự án thủy điện bậc thang ở các lưu vực sông.

Nhấn mạnh đến nội dung mà dư luận, nhân dân và xã hội đang rất quan tâm là thủy điện ảnh hưởng như thế nào đến câu chuyện về lũ bão, ngập lụt cũng như những nguy cơ của sạt lở đất, ông Trần Tuấn Anh cho biết, trước mắt phải khẳng định rằng những câu chuyện sạt lở đất gây ra những tổn hại rất nghiêm trọng tại Quảng Trị, Huế và Quảng Nam vừa qua gắn chặt với yếu tố thời tiết là những tính dị thường và cực đoan của thời tiết.

“Chúng ta phải xác định câu chuyện để ứng phó với thiên tai, bão lũ là một câu chuyện mới, chúng ta phải đặt công tác nghiên cứu khoa học và đưa ra những cảnh báo một cách cụ thể hơn nữa”, ông Tuấn Anh đề nghị.

Xin tiếp thu ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, tới đây sẽ làm việc với các địa phương và các bộ, ngành để nghiên cứu cụ thể, đánh giá về những mặt còn hạn chế, những mặt tích cực, để từ đó tham mưu chính sách với Chính phủ để tiếp tục siết chặt quản lý trong phát triển thủy điện, làm sao để hạn chế tối đa những tác động tiêu cực nếu có, đồng thời tiếp tục khai thác tốt những nguồn tài nguyên của đất nước.

Mai Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rà soát, siết chặt quản lý, hạn chế tiêu cực của thuỷ điện nhỏ và vừa