Rác thải nhựa là những vật dụng làm bằng nhựa, chủ yếu là nhựa PE bị thải ra môi trường sau quá trình sử dụng. Cụ thể như túi nhựa, ống hút nhựa, vỏ chai nước, vỏ chai mắm, muối, các chất dẻo tổng hợp,…
Rác thải nhựa sẽ bị phân hủy dưới ánh sáng mặt trời, tuy nhiên thời gian để chúng phân hủy phải tính bằng hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm.
Báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc về tình hình rác thải trên thế giới cho thấy: mỗi năm thế giới sử dụng 500 tỷ túi nhựa và 40% nhựa được sản xuất ra không được sử dụng đến. Riêng tại Việt Nam, mỗi năm thải ra môi trường khoảng 1.8 triệu tấn nhựa với khoảng 730.000 tấn rác thải nhựa đổ ra biển.
Có thể nói, tình trạng sản xuất, tiêu dùng và thải đồ nhựa đang tăng lên không ngừng, nếu không có biện pháp xử lý kịp thời thì chẳng mấy chốc môi trường sẽ ngập tràn toàn rác thải nhựa.
Trong một số loại túi nilon có thể lẫn lưu huỳnh, dầu hỏa nguyên chất, nên khi đốt cháy gặp hơi nước sẽ tạo thành axit sunfuric gây ra mưa axit rất nguy hiểm. (Nguồn ảnh: Luật Việt Phong)
Rác thải nhựa sinh ra từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó chủ yếu đến từ:
Rác thải sinh hoạt như túi nilon, chai nhựa, ống hút nhựa,… của các hộ gia đình.
Rác thải từ hoạt động sản xuất, thi công trong các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp…
Rác thải nhựa từ các hoạt động tại các khu du lịch, dịch vụ như cốc nhựa dùng 1 lần, ống hút, chai lọ, hộp đựng thức ăn…
Rác thải y tế sinh ra từ các hoạt động chuyên môn như kim tiêm, găng tay, chai, lọ thuốc,… và từ hoạt động lưu trú của nhân viên, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân…
Rác thải bao bì vận chuyển, túi gói hàng order Trung Quốc, hộp nhựa đồ chơi,…
Rác thải nhựa khi bị thải bỏ ra ngoài môi trường và không được xử lý đúng cách mà mang đốt và chôn lấp gây nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến cuộc sống.
Ảnh hưởng của rác thải nhựa đến chính sức khoẻ con người
Rác thải nhựa khi bị thải ra môi trường hoặc bị chôn lấp thì theo thời gian sẽ bị phân rã thành các mảnh nhựa với nhiều kích cỡ micro, nano, pico… khác nhau.
Những mảnh vi nhựa này sau đó sẽ lẫn vào môi trường nước, đất, không khí… khiến cho các sinh vật biển ăn phải. Tiếp đến, con người ăn các loại sinh vật này và sẽ gián tiếp đưa hạt vi nhựa vào cơ thể, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe.
Còn với rác thải nhựa được xử lý theo hình thức đốt thì sẽ sinh ra các khí độc bao gồm dioxin, furan… làm ảnh hưởng tuyến nội tiết, làm giảm khả năng miễn dịch, gây ung thư…
Ngoài ra, theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm – Đại học Bách Khoa Hà Nội): Nhiều sản phẩm nhựa kém chất lượng trong quá trình sử dụng sẽ sản sinh ra BPA là chất độc hại, gây ra các bệnh lý nguy hiểm ở người như vô sinh, tiểu đường, ung thư…
Rác thải nhựa gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành công nghiệp đánh bắt cá, nuôi trồng thủy hải sản của con người
Về kinh tế – xã hội
Rác thải nhựa tác động trực tiếp lên những hoạt động kinh tế trên biển. Tác động rõ nhất là những hỏng hóc, tổn thất do rác thải nhựa lên các thiết bị như lưới đánh cá bị cuốn vào chân vịt, rác chặn các cửa hút nước hoặc rác vướng vào lưới đánh cá…
Tổn thất do rác thải nhựa trên biển đến ngành công nghiệp đánh cá Scotland trung bình khoảng từ 15-17 triệu USD/năm, tương đương 5% tổng doanh thu. Đồng thời, rác thải nhựa trên biển cũng là nguyên nhân của các vụ hỏng hóc trên biển của các chân vịt tàu thủy. Năm 2008, tại Vương quốc Anh và Na Uy đã có 286 sự cố liên quan đến nguyên nhân này với mức tổn thất lên đến 2,8 triệu USD.
Rác thải nhựa gây phát sinh tổn thất trong việc dọn dẹp các bãi biển du lịch và luồng hàng hải. Mỗi năm ở Hà Lan và Bỉ phải chi ra 13,65 triệu USD cho công tác dọn dẹp bãi biển, trong khi đó ở Anh con số này vào khoảng 23,62 triệu USD (tăng 38% trong mười năm qua).
Rác thải nhựa cũng gây hình ảnh không tốt cho công chúng về các địa điểm du lịch, sự phổ biến của mạng xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng là các hình ảnh này lan rộng. Thu nhập du lịch của địa phương, quốc gia ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các hình ảnh rác thải nhựa trên bờ biển.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Môi trường, chất thải nhựa chiếm 8 -16% chất thải rắn sinh hoạt đô thị ở nước ta. Việt Nam thuộc Top các quốc gia xả nhiều rác thải biển nhất thế giới, với khoảng 1,8 triệu tấn/năm. Trong đó túi nilon chiếm khối lượng khá lớn trong thành phần nhựa thải và hiện diện ở khắp nơi trong đời sống xã hội, từ đô thị đến nông thôn.
Ước tính mỗi năm Việt Nam sử dụng và thải bỏ khoảng hơn 30 tỷ túi nilon/năm. Riêng khu vực đô thị, nhựa là túi nilon chiếm khoảng 10,48 – 52,4 tấn/ngày. Chỉ khoảng 17% số túi nilon được thường xuyên tái sử dụng, số còn lại đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần.
An Nhiên