Sâm Alipas – “Nhập nhằng” tên gọi gây tranh cãi?

Minh Trí(T/h)|04/10/2017 23:59
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Theo dược sỹ Đào Kim Long, ông rất ngạc nhiên khi Công ty cổ phần dược phẩm Eco nhập khẩu sản phẩm trên về Việt Nam lại gọi là “Sâm Alipas”. Dược sỹ Đào Kim Long cho rằng, không thể gọi cây mật nhân là “sâm” bởi trên thế giới hiện phân loại có 21 loại sâm thì mật nhân không nằm trong 21 loại đó. Điểm nổi bật để phân biệt sâm hay không là thành phần phải có chất saponin. Tuy nhiên, cây mật nhân không có chất này. Trong bảng công bố thành phần cấu tạo “Sâm Alipas” cũng không có chất saponin. “Vì vậy theo tôi cách gọi “sâm Alipas” là chưa đúng, có thể có nhầm lẫn khi nhập khẩu và đăng ký chứng nhận sản phẩm của Cục An toàn thực phẩm” – dược sỹ Đào Kim Long cho biết.

(Moitruong.net.vn) – Thời gian qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là Truyền hình liên tục đăng thông tin quảng cáo một loại thực phẩm chức năng mang tên gọi “Sâm Alipas” do Công ty cổ phần dược phẩm Eco nhập khẩu từ Mỹ. Tuy nhiên, theo dược sỹ Đào Kim Long thì sản phẩm “Sâm Alipas” lại không phải là sâm, trong các thành phần nguyên liệu khi kiểm nghiệm không thấy bất cứ thành phần nhân sâm nào?  

Nhân đây, dược sỹ Đào Kim Long cũng cảnh báo cách sử dụng cụm từ sâm một cách tùy tiện trong nhiều sản phẩm ở Việt Nam như ở Học viện Quân y có nhiều sản phẩm quảng bá “Sâm Ngọc Linh nhân tạo”. Theo ông không thể gọi là sâm Ngọc Linh như vậy mà nên gọi là sinh khối sâm Ngọc Linh…

 Sâm Alipas - Tên gọi gây tranh cãi?

Trang web quảng cáo Sâm Alipas

Theo nội dung quảng cáo trên trang alipasplatinum.com.vn  và trang http://ecopharma.com.vn: Sâm Alipas “Là phát minh mới của các nhà khoa học Mỹ, kết hợp giữa tinh chất Eurycoma Longifolia và các thảo dược đặc hiệu cho nam giới, công thức Platinum được chứng minh tác dụng kích hoạt cơ thể tăng cường sản sinh Luteinizing tự nhiên giúp thúc đẩy quá trình sản sinh Testosterone nội sinh nhanh hơn, bền vững hơn, gia tăng khả năng sinh lý và sức khỏe toàn thân nam giới”. Sâm Alipas Platinum tăng cường sức khỏe sinh lý và sức khỏe nền tảng cho nam giới bằng cách giúp tăng Testosterone nội sinh thông qua tăng Luteinizing trong cơ thể từ các thảo dược quý, qua đó làm tăng ham muốn tình dục tự nhiên, cải thiện độ cương cứng của “cậu nhỏ”, duy trì sức khỏe sinh lý, sinh sản và sức khỏe toàn thân cho nam giới.

Cũng theo trang web này,  Sâm Alipas được sản xuất tại công ty St-Paul Brands, Mỹ.

Với những thông tin nặng về chuyên môn và các danh từ chuyên khoa y học đặc thù như trên, có lẽ rất ít người biết “Sâm Alipas” gắn với một loại cây rất quen thuộc với người Việt Nam: Cây mật nhân, hay còn gọi là cây bá bệnh. Chỉ cần bằng thao tác gõ google thông thường, bạn đọc sẽ có thể biết tinh chất Eurycoma Longifolia là gì. Theo đó, Mật nhân hay mật nhơn, còn gọi là cây bá bệnh, bách bệnh hay hậu phác nam có danh pháp hai phần là Eurycoma longifolia. Đây là loại cây mộc, được biết đến là một vị thuốc dùng trong Đông y. Tên Mã Lai của cây này là “tongkat ali” và tên Indonesia là “pasak bumi”. Tiếng Anh còn gọi cây này là “longjack”.

Tại văn bản trả lời báo giới, Cục An toàn thực phẩm cũng cho biết, đây chính là cây bá bệnh, mật nhân thuộc họ thanh thất. Nhãn sản phẩm “MEN’S GINSENG” là tên nhãn hiệu hàng hóa được Hoa Kỳ chấp nhận.

 Sâm Alipas - Tên gọi gây tranh cãi?

Được biết, ngoài sản phẩm Sâm Alipas dành cho nam giới, Công ty cổ phần dược phẩm Eco hiện cũng phân phối sản phẩm Sâm Angela Gold dùng cho nữ, cũng nhập khẩu từ Mỹ.

Việc nhập nhằng trong thông tin của Công ty CP dược phẩm ECO đã gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng khi lựa chọn sản phẩm.

Minh Trí(T/h)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Sâm Alipas – “Nhập nhằng” tên gọi gây tranh cãi?
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.