Sản xuất công nghiệp gặp khó vì dịch Covid-19

Minh Anh|07/09/2020 04:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đang đứng trước nhiều khó khăn về nguyên liệu, nhân lực… do dịch COVID-19, thậm chí không ít doanh nghiệp còn lo ngại nguy cơ phá sản nếu dịch tiếp tục kéo dài.

Bộ Công Thương vừa công bố báo cáo về tình hình hoạt động ngành công nghiệp tháng 8 và 8 tháng năm 2020. Báo cáo ghi nhận trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục gặp khó khăn do sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19 vào cuối tháng 7/2020.

Theo số liệu thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 8/2020 chỉ tăng 3,5% so với tháng 7 và giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2020, IIP ước tính tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,5% của cùng kỳ năm 2019. Bộ Công Thương đánh giá đây là mức tăng thấp nhất trong 8 năm qua.

Làn sóng Covid-19 thứ hai quay trở lại đã ảnh hưởng bất lợi tới các hoạt động kinh tế, đặc biệt là hoạt động thương mại.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 8 tháng giảm sâu và tăng thấp so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, bia giảm 14,8%; dầu thô khai thác giảm 14%; ô tô giảm 12,5%; khí hóa lỏng (LPG) giảm 12,1%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 9,2%…

Khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, trong trường hợp phải tạm ngừng một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất do thiếu hụt nguồn nguyên phụ liệu và linh kiện đầu vào, các doanh nghiệp sẽ phải chịu rất nhiều chi phí phát sinh như các chi phí vốn vay ngân hàng, duy tu bảo trì máy móc trong quá trình tạm ngưng sản xuất, chi phí trả lương ngừng việc cho người lao động theo quy định của pháp luật về lao động…

Ngoài ra, các doanh nghiệp còn đối mặt với khó khăn về thị trường tiêu thụ khi Trung Quốc, cũng như một số quốc gia đang bùng phát dịch bệnh khác như: Hàn Quốc, Nhật Bản là thị trường tiêu thụ lớn đối với một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là các ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như: Dệt may, da giày – túi xách, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại di động và linh kiện…

Theo các chuyên gia, từ những thực tế trên, một trong những điểm yếu lớn nhất của kinh tế Việt Nam là nội lực của ngành sản xuất hạn chế, phụ thuộc rất lớn vào các chuỗi cung ứng nước ngoài; không tự chủ được về các yếu tố đầu vào của sản xuất dẫn đến tình trạng phụ thuộc phần lớn vào linh phụ kiện, nguyên vật liệu nhập khẩu…

Bộ Công Thương hiện đang tập trung các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, trước mắt là doanh nghiệp Việt Nam vì doanh nghiệp FDI có tiềm lực mạnh và hỗ trợ từ các quốc gia có đại diện ở Việt Nam, còn các doanh nghiệp của Việt Nam vẫn là những doanh nghiệp còn nhỏ, siêu nhỏ nên cần sự hỗ trợ. Bộ Công Thương đã và đang tích cực huy động sản phẩm ngay tại thị trường nội địa có thể làm đầu vào cung cấp nguyên liệu cho doanh nghiệp Việt Nam.

Mặt khác, Bộ Công Thương yêu cầu toàn bộ các thương vụ của Việt Nam ở các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tìm những nguồn hàng thay thế nguồn hàng nguyên liệu mà doanh nghiệp Việt Nam đang tương đối phụ thuộc. Đồng thời, tìm các thị trường mới xuất khẩu hàng hóa như EU, Mỹ…

Tuy nhiên, cũng phải lường trước không dễ dàng làm được điều đó và nếu làm được thì giá của nguyên liệu đầu vào có thể cao hơn so với các nguyên liệu mà hiện nay doanh nghiệp Việt Nam đang nhập khẩu để phục vụ cho sản xuất, từ đó ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của sản phẩm.

Minh Anh 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sản xuất công nghiệp gặp khó vì dịch Covid-19