Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia này sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển nhanh, bền vững; tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững; giải quyết căn cơ hơn một số bức xúc của người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Chương trình sẽ đạt được đa mục tiêu về kinh tế – xã hội; quốc phòng – an ninh; đối ngoại; bảo vệ môi trường, sinh thái và đa dạng sinh học; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh; là yếu tố đặc biệt quan trọng để củng cố và nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc thiểu số đối với Đảng và Nhà nước; tăng cường đồng thuận xã hội và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 được thiết kế thành 10 dự án.
Ảnh minh họa
Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 là khoảng 137.665 tỷ đồng; giai đoạn 2026-2030 là khoảng 134.270 tỷ đồng. Dự kiến nhu cầu đầu tư lớn trong khi khả năng nguồn lực đáp ứng có hạn, nếu đầu tư dàn trải, phân tán sẽ khó đạt được mục tiêu đề ra.
Vì vậy, tại báo cáo thẩm tra Đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình, một số ý kiến trong Ủy ban Dân tộc của Quốc hội đề nghị Chính phủ tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng những vấn đề cấp bách, bức xúc, lựa chọn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cùng với các giải pháp có tính khả thi, phù hợp với từng giai đoạn, thực sự mang lại hiệu quả.
Đồng quan điểm về đầu tư trọng tâm, trọng điểm, nhiều ý kiến cho rằng, trong giai đoạn đầu triển khai dự án, tập trung giải quyết các vấn đề cơ bản như nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; sắp xếp, bố trí dân cư vùng sạt lở nguy hiểm; phát triển sản xuất, bảo đảm sinh kế; đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu; quan tâm đúng mức giáo dục, đào tạo; chú ý công tác truyền thông, tuyên truyền, biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị Chính phủ cần làm rõ cơ sở tính toán kinh phí từ định mức, nhu cầu và nội dung hoạt động để xác định phù hợp; dự kiến kinh phí đối với hạng mục các dự án sát thực tế và khả năng cân đối, bố trí vốn; bảo đảm hoàn thành dứt điểm các hạng mục đầu tư theo từng giai đoạn, bảo đảm khả thi thực hiện, tránh đầu tư dàn trải, phân tán, kém hiệu quả.
Ngoài ra, một số ý kiến đề xuất tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình ở các cấp, các ngành; phòng, chống các biểu hiện tiêu cực khi thực hiện; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để cùng giám sát quá trình triển khai và đánh giá kết quả, đảm bảo thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Chương trình.
Minh Anh