Sản xuất điện mặt trời, rác thải pin mặt trời sẽ về đâu?

Mai Anh|22/11/2020 10:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Do các ưu việt nổi trội về công nghệ, môi trường và tính cạnh tranh về mặt kinh tế, Điện mặt trời đã và đang phát triển rất nhanh trên phạm vi thế giới, hàng năm cung cấp gần một nghìn tỷ kWh.

Tuy nhiên, song song với đó, thế giới phải đối mặt với vấn đề về lượng các tấm pin mặt trời hết hạn sử dụng, trở thành phế thải cũng sẽ ngày càng lớn. Nếu chúng không được thu gom, xử lý thì sẽ trở thành nguồn ô nhiễm môi trường rất nặng nề. Bài viết này trình bày những nét chính của bức tranh tổng quát về hiện trạng công nghệ xử lý và chính sách nhằm giải quyết vấn đề phế thải điện mặt trời hiện nay trên thế giới và ở Việt Nam.

Đại diện Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, theo một số nghiên cứu trên thế giới, việc sử dụng pin năng lượng mặt trời có thể gây ra một số tác động về môi trường như chiếm diện tích đất và gây ô nhiễm nhiệt, tác động đến thị giác của con người. Sản xuất pin của tấm pin năng lượng mặt trời sử dụng một số kim loại nặng như Cd, Si có ảnh hưởng nhất định đến khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên.

Ảnh minh họa

Về tổng thể, pin năng lượng mặt trời thải bỏ nếu chôn lấp không đúng quy định có khả năng gây ô nhiễm môi trường đất, nước do phát sinh kim loại nặng. Pin năng lượng mặt trời cũng phát sinh khí thải độc hại có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe của con người trong trường hợp xảy ra cháy.

Đại diện Tổng cục Môi trường cũng cho biết, thực chất tấm pin năng lượng mặt trời là sản phẩm có chức năng hấp thu năng lượng từ ánh sáng mặt trời (quang năng) và chuyển hóa thành điện năng, khác về tính chất với các loại pin, ắc quy khác là có chức năng tích điện. Do vậy, tấm pin năng lượng không thuộc danh sách chất thải nguy hại.

Vì vậy, khi pin mặt trời thải loại, chủ cơ sở sẽ phải lấy mẫu phân tích, nếu có chỉ tiêu chất thải nguy hại vượt ngưỡng sẽ xử lý theo quy trình của chất thải nguy hại, nếu là chất thải thông thường sẽ xử lý theo quy trình của chất thải thông thường, phương pháp chủ yếu hiện nay là chôn lấp.

Theo một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực môi trường, thành phần chính của các tấm pin mặt trời bao gồm khung nhôm, kính cường lực, màng bảo vệ, pin, tấm nền, dây dẫn và hộp kết nối. Tỷ lệ tái chế, tái sử dụng có thể lên đến 80%. Tuổi thọ trung bình của các tấm pin năng lượng mặt trời từ 10 đến 20 năm, tùy thuộc vào địa điểm và môi trường khu vực triển khai dự án.

Tuy nhiên, Việt Nam hiện chưa thể tái chế pin mặt trời do đầu tư chi phí lớn và chưa có công nghệ. Ngay cả trên thế giới cũng chỉ có một số nước tái chế pin mặt trời. Vì vậy, phương pháp xử lý chủ yếu hiện nay là chôn lấp hợp vệ sinh, điều này có thể gây ra áp lực với quỹ đất hạn chế, không thể chôn lấp mãi. Về lâu dài, các đơn vị sản xuất điện mặt trời sẽ buộc phải tái chế.

Phế thải từ các tấm PMT hết hạn sẽ là một vấn đề môi trường rất lớn trong những thập niên tới trên thế giới và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Ngoài ra, việc thu gom, tái chế các tấm PMT phế thải còn mang lại lợi ích rất lớn về tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và làm tăng hiệu quả kinh tế của công nghiệp ĐMT, vì khoảng 80% vật liệu từ tấm PMT phế thải có thể thu hồi và tái sử dụng.

Vì vậy, việc nghiên cứu, phát triển các công nghệ thu gom, xử lý và tái chế cũng như ban hành các cơ chế, chính sách cho các hoạt động này trở nên ngày càng quan trọng và cấp bách hơn.

Mai Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sản xuất điện mặt trời, rác thải pin mặt trời sẽ về đâu?