(Moitruong.net.vn) – Trong bối cảnh toàn cầu đang hướng tới những giải pháp thân thiện với môi trường trong mọi hoạt động của đời sống xã hội thì nhiều doanh nghiệp sản xuất còn lấy đó làm tiêu chí để được tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Sản xuất xanh hướng tới những giải pháp thân thiện với môi trường
Sản xuất xanh khiến nhiều người liên tưởng tới quy trình thực hành nông nghiệp. Tuy nhiên, với bối cảnh toàn cầu đang hướng tới những giải pháp thân thiện với môi trường trong mọi hoạt động của đời sống xã hội thì các lĩnh vực như công nghiệp, dịch vụ, thương mại… đều có những mô hình, cách thức sản xuất gắn với tiêu chí xanh, sạch và vì môi trường. Nhiều doanh nghiệp sản xuất còn lấy đó làm tiêu chí để được tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hiện nay tại một số các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, ngoài việc phải cải tiến quy trình kỹ thuật, hệ thống máy móc và hoàn thiện các tiêu chuẩn trong sản xuất để giảm tỷ lệ lỗi và chi phí sai hỏng… Thì việc xây dựng cảnh quan môi trường sản xuất sạch sẽ, quan tâm hơn đến nhiệt độ và độ ẩm để đảm bảo chất lượng của sản phẩm cũng được quan tâm. Ngay trong lĩnh vực thời trang như ngành sản xuất hàng dệt may và da giày, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã nhận thức rằng, xanh hóa sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm và hướng tới phát triển bền vững chính là những điều kiện tiên quyết giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh và tận dụng tốt nhất những cơ hội đem lại từ những hiệp định thương mại tự do với cộng đồng quốc tế.
Vì thế, trong xu thế hội nhập quốc tế của nền kinh tế Việt Nam , ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho rằng, các doanh nghiệp ngành dệt may và da giày buộc phải thực hiện những quy định này nếu thực sự muốn tồn tại và phát triển. Bởi lẽ, dù khó khăn nhưng những yêu cầu đó thực sự đem lại lợi ích kinh tế và tăng khả năng cạnh tranh lâu dài. Những công trình xanh nhằm tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước… thực sự là công cụ hữu hiệu giúp các doanh nghiệp dệt may và da giày đạt những chỉ tiêu sản xuất bền vững, đáp ứng yêu cầu của đối tác và hưởng lợi từ hiệu quả lâu dài.
Trên thực tế, đầu tư cho công nghệ và quy trình sản xuất xanh không dễ thực hiện và giá thành cũng không rẻ, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI) cho biết, sản xuất xanh và sạch giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; Đồng thời, đem lại nhiều lợi ích thấy rõ về kinh tế, môi trường… Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp còn cho rằng, bản thân họ vẫn chưa thực sự nắm bắt được hết các quy trình sản xuất sạch hơn, để áp dụng vào thực tiễn sản xuất.
Thêm nữa, các doanh nghiệp quy mô vừa, nhỏ hay siêu nhỏ cũng còn nhiều khó khăn về tài chính để có thể áp dụng thành công các mô hình sản xuất Xanh; Khó khăn về trình độ vận hành, điều chỉnh hệ thống máy móc, công nghệ sản xuất từ nước ngoài, vốn đã là chu trình khép kín, tự động nên chăng cần những giải pháp thông minh nhưng giá thành phù hợp với đại đa số khả năng của doanh nghiệp.
Để giúp các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư và dễ dàng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, rất cần những giải pháp hỗ trợ thiết thực của Nhà nước như vốn tín dụng, cơ chế ưu đãi về lãi suất, thời hạn cho vay… dành cho những doanh nghiệp, những dự án đầu tư công nghệ sản xuất xanh, sạch và thân thiện với môi trường.
Ngọc Minh