Sáng nay, Quốc hội biểu quyết về cơ chế, chính sách phát triển thành phố Buôn Ma Thuột

Hạ Vy|15/11/2022 09:36
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, sáng nay, ngày 15/11, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội biểu biểu quyết thông qua Nội quy Kỳ họp (sửa đổi) cùng Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk và tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).

qh15.jpg
Phiên họp sáng nay, ngày 15/11 kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XV.

Phát biểu mở đầu phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, sáng nay, Quốc hội sẽ tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). Tiếp đến, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện, dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) gồm 03 Điều, Dự thảo Nội quy Kỳ họp Quốc hội gồm 03 Chương, 58 Điều.

Kết quả biểu quyết điện tử tại phiên họp, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, có 466 đại biểu Quốc hội tán thành thông qua Nghị quyết, chiếm 93,57 %. Như vậy Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) đã chính thức được thông qua với tỷ lệ tán thành cao.

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình bày trước Quốc hội.

Về trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, có ý kiến cho rằng, quy định thủ tục báo cáo khi đại biểu Quốc hội vắng mặt tại phiên họp Quốc hội sẽ gây khó khăn cho đại biểu; đề nghị nghiên cứu, bổ sung vào App của Quốc hội chức năng báo cáo vắng mặt của đại biểu Quốc hội. Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về việc vắng mặt vì lý do bất khả kháng để bảo đảm chặt chẽ; trường hợp đại biểu Quốc hội không thể tham dự phiên họp Quốc hội để tham gia tiếp thu, chỉnh lý các dự thảo luật, nghị quyết thì không coi là vắng mặt.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý quy định tại khoản 2 Điều 3 về việc vắng mặt vì lý do bất khả kháng, do thực hiện các nhiệm vụ khác trong kỳ họp theo quy định của luật, nghị quyết của Quốc hội để bảo đảm chặt chẽ. Đồng thời, trong thời gian tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội nghiên cứu, bổ sung vào App của Quốc hội chức năng báo cáo trực tuyến việc vắng mặt của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp, phiên họp Quốc hội để thuận tiện cho đại biểu trong việc báo cáo.

Đối với tài liệu phục vụ Kỳ họp Quốc hội, nhiều ý kiến đề nghị quy định rõ và bảo đảm thời hạn gửi tài liệu kỳ họp đến đại biểu Quốc hội để có đủ thời gian nghiên cứu thấu đáo, kỹ lưỡng, có ý kiến sâu sắc, chất lượng. Có ý kiến đề nghị phân loại thời hạn gửi theo tính chất phức tạp của tài liệu; bổ sung chế tài xử lý đối với việc chậm gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội; quy định việc gửi tài liệu chậm là nội dung để xem xét khi lấy phiếu tín nhiệm.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao việc gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội nhằm bảo đảm đúng thời gian quy định. Văn phòng Quốc hội cũng thường xuyên đôn đốc việc gửi tài liệu, đồng thời, từ kỳ họp này đã thực hiện công bố công khai danh sách các cơ quan chậm gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội. Thời gian tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội nghiên cứu, đề xuất biện pháp cụ thể để nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc gửi tài liệu đúng thời hạn đến đại biểu Quốc hội, khắc phục hạn chế, tồn tại.

Tại Điều 18 về thảo luận tại phiên họp toàn thể của Quốc hội, một số ý kiến đề nghị quy định Chủ tịch, Phó Chủ tịch Quốc hội được phân công điều hành phiên họp có quyền yêu cầu dừng tranh luận trong trường hợp đại biểu tranh luận không đúng trọng tâm, không rõ đối tượng tranh luận, sử dụng quyền tranh luận để phát biểu; được dừng, tạm dừng, hoãn, tạm hoãn phiên họp, kỳ họp trong tình huống có sự cố bất khả kháng, việc tiếp tục họp do Quốc hội quyết định trong từng trường hợp cụ thể.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận ý kiến của đại biểu và nhận thấy các nội dung này đã được quy định trong dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội, cụ thể là điểm d khoản 2 Điều 18 quy định: Chủ tịch Quốc hội hoặc Phó Chủ tịch Quốc hội được phân công điều hành phiên họp yêu cầu đại biểu Quốc hội dừng phát biểu hoặc dừng tranh luận nếu đại biểu Quốc hội phát biểu, tranh luận quá thời gian hoặc phát biểu, tranh luận không đúng nội dung. Đối với việc dừng, tạm dừng, tạm hoãn kỳ họp, phiên họp là thẩm quyền của Quốc hội khi quyết định chương trình hoặc điều chỉnh chương trình kỳ họp. Có ý kiến cho rằng thời gian phát biểu 07 phút của đại biểu là ngắn; không nên giới hạn thời gian phát biểu của đại biểu; khi kéo dài phiên họp, nếu còn thời gian thì đại biểu có quyền phát biểu lần hai. Ý kiến khác đề nghị giảm thời gian phát biểu của đại biểu. Có ý kiến đề nghị quy định thời gian tranh luận là không quá 02 phút; tăng thời gian giải trình của cơ quan trình đối với lĩnh vực, nội dung quan trọng, nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau; đề nghị giao Chủ tọa phiên họp xem xét, quyết định việc kéo dài thời gian giải trình của đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, quy định về thời gian phát biểu, tranh luận của đại biểu Quốc hội là kế thừa quy định của Nội quy kỳ họp Quốc hội hiện hành và nội quy hóa những giải pháp đổi mới có hiệu quả trong thời gian qua nhằm tạo điều kiện cho đại biểu Quốc hội chủ động trong việc chuẩn bị nội dung và trình bày được đầy đủ ý kiến. Do đó, xin Quốc hội cho giữ các nội dung này như dự thảo. Bên cạnh đó, dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội cũng không quy định giới hạn phát biểu lần hai trong thời gian kéo dài phiên họp nên đại biểu có thể thực hiện quyền của mình nếu còn thời gian.

Về thời gian giải trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy quy định thời gian giải trình là 10 phút của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trình, cơ quan chủ trì thẩm tra là phù hợp để các chủ thể này phải trình bày thật cô đọng, súc tích, đồng thời bảo đảm dành nhiều thời gian hơn cho đại biểu Quốc hội thảo luận, tranh luận. Bên cạnh đó, dự thảo Nội quy kỳ họp đã bổ sung quy định Chủ tịch Quốc hội hoặc Phó Chủ tịch Quốc hội được phân công điều hành phiên họp có thể quyết định kéo dài thời gian mỗi lần giải trình của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trình, cơ quan chủ trì thẩm tra không quá 15 phút khi nội dung thảo luận hoặc giải trình có nhiều vấn đề phức tạp, chuyên môn sâu để bảo đảm linh hoạt, phù hợp với thực tiễn và đáp ứng yêu cầu như đại biểu đã nêu.

Về trình tự xây dựng, ban hành nghị quyết kỳ họp Quốc hội, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị xác định rõ nghị quyết kỳ họp Quốc hội là văn bản cá biệt hay văn bản quy phạm pháp luật, nếu là văn bản quy phạm pháp luật thì phải tuân thủ trình tự, thủ tục của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Có ý kiến đề nghị cần bảo đảm tính thống nhất giữa nội dung đề xuất và nội dung cần thẩm tra tại Điều 57. Ý kiến khác đề nghị rà soát để quy định đầy đủ, chặt chẽ các chủ thể có quyền đề xuất nội dung đưa vào nghị quyết kỳ họp Quốc hội.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Điều 57 đã được chỉnh lý theo hướng: nội dung được các cơ quan, tổ chức đề xuất đưa vào nghị quyết kỳ họp Quốc hội phải được trình Quốc hội, được thẩm tra theo quy định hoặc có ý kiến bằng văn bản của các cơ quan của Quốc hội, Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung thuộc lĩnh vực phụ trách, đồng thời được Quốc hội thảo luận và Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua. Các chủ thể có quyền đề xuất nội dung đưa vào nghị quyết kỳ họp Quốc hội cũng đã được nghiên cứu, chỉnh lý để quy định đầy đủ, chặt chẽ, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật như thể hiện tại Điều 57.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cũng giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu nêu về áp dụng pháp luật có liên quan để xem xét, quyết định các vấn đề khác tại kỳ họp Quốc hội quy định tại Điều 58 của dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội.

Cũng tại Phiên họp buổi sáng, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, đồng thời tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết. Ngay sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Trước khi kết thúc phần thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, ngày 26/10 và 07/11/2022, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và Hội trường về Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp thu, giải trình, hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết.

Về sự cần thiết ban hành và phạm vi Nghị quyết, có ý kiến đề nghị cân nhắc việc ban hành Nghị quyết về thí điểm cơ chế đặc thù vì hiện nay Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW (Nghị quyết số 23); đề nghị Chính phủ tổng kết toàn diện kết quả thực hiện cơ chế đặc thù theo các Nghị quyết của Quốc hội đối với các địa phương trước khi ban hành Nghị quyết thí điểm.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, việc ban hành Nghị quyết thí điểm chính sách đặc thù đối với thành phố Buôn Ma Thuột là để thực hiện chủ trương, định hướng phát triển thành phố Buôn Ma Thuột theo đúng Kết luận số 67 của Bộ Chính trị, phù hợp với điều kiện, thế mạnh của Thành phố và chủ trương của Bộ Chính trị, đồng thời cũng góp phần thể chế hóa Nghị quyết số 23. Tại các Nghị quyết Quốc hội về thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù, Quốc hội đều giao Chính phủ có trách nhiệm tổ chức sơ kết 03 năm và tổng kết 05 năm thực hiện Nghị quyết và báo cáo Quốc hội.

Có ý kiến cho rằng, phạm vi chính sách tại Dự thảo Nghị quyết còn hạn chế, đề nghị bổ sung các chính sách nhằm góp phần phát triển Thành phố trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.

Phát biểu điều hành nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Sau đó Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Sáng nay, Quốc hội biểu quyết về cơ chế, chính sách phát triển thành phố Buôn Ma Thuột
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.