Theo Chương trình, buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở tổ về các nội dung sau: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024; Đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện các kế hoạch: phát triển kinh tế - xã hội năm 2021-2025; cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025; Kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội; Báo cáo của Chính phủ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; Kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; tiến hành quy trình lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn.
Tại phiên khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đây là phương thức giám sát quan trọng, thể hiện sự ghi nhận, đánh giá của Quốc hội đối với những nỗ lực, cố gắng và kết quả công tác từ đầu nhiệm kỳ đến nay của những người được lấy phiếu tín nhiệm.
Trên cơ sở báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm đã gửi đến từng đại biểu Quốc hội, lắng nghe ý kiến của cử tri, từ thực tiễn theo dõi, giám sát của mình, đề nghị mỗi đại biểu Quốc hội phát huy tinh thần trách nhiệm cao đối với đất nước, đối với tổ chức, hoạt động của Quốc hội và bộ máy nhà nước, đánh giá công tâm, khách quan và chính xác trong ghi phiếu tín nhiệm đối với từng chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.
Trước đó, tại phiên khai mạc, thay mặt Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký Nghị quyết số 889/NQ-UBTVQH15 phê chuẩn kết quả bầu Trưởng đoàn ĐBQH khoá XV Tp Cần Thơ và Nghị quyết số 890/NQ-UBTVQH15 phê chuẩn kết quả bầu Trưởng đoàn ĐBQH khoá XV tỉnh Ninh Bình.
Căn cứ Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 65/2020/QH14; Căn cứ Quy chế làm việc của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; Căn cứ ý kiến của Bộ Chính trị về công tác nhân sự; Xét Tờ trình số 149/TTr-ĐĐ ngày 17/10/2023 của Đoàn ĐBQH Tp.Cần Thơ và Tờ trình số 823/TTr-BCTĐB ngày 20/10/2023 của Ban Công tác đại biểu, ngày 23/10/2023, thay mặt Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đã ký Nghị quyết số 889/NQ-UBTVQH15 phê chuẩn kết quả bầu Trưởng đoàn ĐBQH khoá XV Tp.Cần Thơ.
Theo đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị phê chuẩn kết quả bầu ông Nguyễn Văn Thuận, Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ, Giám đốc Công an Thành phố Cần Thơ làm Trưởng đoàn ĐBQH khoá XV thành phố Cần Thơ.
Cùng ngày, trên cơ sở xét Tờ trình số 02/TTr-ĐĐ ngày 20/10/2023 của Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình và Tờ trình số 823/TTr-BCTĐB ngày 20/10/2023 của Ban Công tác đại biểu, thay mặt Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội ký Nghị quyết số 890/NQ-UBTVQH15 phê chuẩn kết quả bầu Trưởng đoàn ĐBQH khoá XV tỉnh Ninh Bình.
Theo đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị phê chuẩn kết quả bầu ông Đinh Việt Dũng, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ Ninh Bình làm Trưởng đoàn ĐBQH khoá XV tỉnh Ninh Bình.
Cùng ngày 23/10, căn cứ Nghị quyết số 87/2023/QH15 ngày 22/5/2023 của Quốc hội bầu Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội khoá XV, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ra Nghị quyết số 887/NQ-UBTVQH15 phê chuẩn ông Lê Quang Mạnh thôi làm Trưởng đoàn ĐBQH khoá XV thành phố Cần Thơ để thực hiện nhiệm vụ khác. Đồng thời căn ý kiến của Bộ Chính trị về công tác nhân sự, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết số 888/NQ-UBTVQH15 quyết nghị phê chuẩn cho bà Nguyễn Thị Thu Hà thôi làm Trưởng đoàn ĐBQH khoá XV tỉnh Ninh Bình cũng để thực hiện nhiệm vụ khác.
Nghị quyết có hiệu lực kể từ ngày ký.