Sóc Sơn (Hà Nội): Vụ cháy tại sân Golf Minh Trí có ảnh hưởng như nào tới môi trường?

Thu Thủy - Thu Hà|11/12/2023 10:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Mới đây, tại sân Golf Minh Trí (Ha Noi Golf Club) có địa chỉ tại xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã xảy ra một vụ cháy khiến nhiều người lo lắng.

Ngày 7/12/2023, thông tin với PV Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống - Moitruong.net.vn, ông Đinh Văn Bảo - Chủ tịch UBND xã Minh Trí cho biết: Vào khoảng 23h50 ngày 5/12/2023, đã xảy ra vụ cháy tại khu vực lán để xe ngoài trời (khu vực sạc xe điện) của sân Golf Minh Trí.

Sau khi nhận tin báo, Công an xã Minh Trí, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - Công an huyện Sóc Sơn phối hợp với lực lượng chức năng điều động phương tiện làm nhiệm vụ.

W_chay-san-golf-minh-tri-2-.jpg
Phần mái che bị đổ sập và khung xe điện bị trơ ra sau vụ cháy (ảnh minh họa)

Công an xã Minh Trí và chính quyền sở tại cũng nhanh chóng có mặt hỗ trợ các biện pháp để lực lượng cứu hoả thuận lợi làm nhiệm vụ.

Nguyên nhân và thiệt hại do vụ cháy gây ra đang được cơ quan chức năng điều tra, thống kê, làm rõ, ông Bảo cho biết thêm

Được biết, Sân golf Minh Trí hay còn được gọi là Ha Noi Golf Club được đầu tư bởi Công ty Cổ phần Sân Golf Hà Nội.

Hiện lực lượng chức năng huyện Sóc Sơn đang phối hợp, triển khai các biện pháp phục vụ điều tra để làm rõ nguyên nhân vụ cháy.

W_chay-san-golf-minh-tri-3-.jpg
W_chay-san-golf-minh-tri-4-.jpg
W_chay-san-golf-minh-tri-1-.jpg
Theo ghi nhận của PV Moitruong.net.vn vào sáng ngày 7/12/2023, khu vực lán để xe và sạc xe điện tại sân Golf  Minh Trí đã bị cháy rụi, chỉ còn trơ lại khung tường với những mảng đen do vụ cháy để lại

Thời gian gần đây, trên cả nước liên tiếp xảy ra cháy, nổ. Những vụ việc đó đã để lại nhiều thiệt hại đau xót về tài sản cũng như tính mạng con người. Nhưng điều mà không ai nghĩ đến đó là hệ quả môi trường xung quanh khi bị ô nhiễm do các chất độc hại khuếch tán vào không khí hoặc nguồn nước, sau đó thẩm thấu vào đất, gây nguy hại tới sức khỏe, đời sống người dân xung quanh khu vực xảy ra hỏa hoạn.

Khi cháy nổ xảy ra, thiếu điều kiện để cung cấp oxy, thành phần khí tạo ra khí độc như khí CO, kèm theo đó là bụi mịn ở dạng khói đen, sẽ lan truyền trong không khí, len lỏi trong căn hộ và môi trường sống xung quanh.

Những loại khí độc này có thể khiến nạn nhân bị ngạt thở khi hít phải, còn nếu hít quá nhiều sẽ bị ngộ độc và tử vong. Ngoài ra trong một số đám cháy khác, chúng còn sản sinh ra khí HCN, photgen cực độc hại với cơ thể con người.

Theo các nhà khoa học, khí CO không gây khó chịu nên chúng ta rất khó phát hiện. Khi bị ngộ độc CO ở mức độ nhẹ, các nạn nhân sẽ gặp những triệu chứng như đau đầu, chóng mặt; khi tiếp xúc với lượng lớn CO có thể bị ảnh hưởng dây thần kinh trung ương lẫn tim mạch, từ đó có nguy cơ mất đi tính mạng.

Khi đi vào cơ thể người, khí CO kết hợp cùng hemoglobin trong máu tạo thành chất cacboxy hemoglobin (HbCO). Đây là loại chất có thể ngăn chặn quá trình giải phóng oxy trong tế bào, từ đó làm giảm quá trình vận chuyển oxy trong máu, khiến cơ thể thiếu oxy cần thiết. Đặc biệt hơn, khí CO từ những đám cháy đó không chỉ dừng ở việc gây ảnh hưởng đến tính mạng của các nạn nhân trong đám cháy mà còn phát tán ra ngoài gây ô nhiễm môi trường không khí xung quanh, chất lượng môi trường bị thay đổi.

Bên cạnh đó, môi trường khi xảy ra cháy nổ, phải sử dụng nước để dập lửa, nước thải sinh ra trong quá trình dập cháy sẽ hòa tan với một số bụi, thành phần khí, kim loại và nước, biến nước thành nước ô nhiễm, sẽ đi vào các nguồn tiếp nhận như ao, hồ vùng lân cận hoặc đi qua khu vực có đất sẽ đọng lại, gây ô nhiễm ảnh hưởng đến sinh vật sống xung quanh. Thêm nữa là các loại bùn thải, chất rắn sinh ra trong quá trình cháy trở thành chất thải rắn, thậm chí chất thải rắn nguy hại, nếu thu gom không cẩn thận sẽ gây ô nhiễm môi trường đất, ảnh hưởng đến cây trồng, vật nuôi. Tùy theo mức độ, quy mô vụ cháy làm cho mức độ ô nhiễm môi trường xung quanh. Và tùy theo đối tượng bị cháy như kho nhiên liệu, hóa chất, vật liệu cháy có chất nhựa thì thành phần chất ô nhiễm nguy hại tác động xấu đến môi trường sau khi cháy đã tắt từ rất lâu chứ không chỉ lúc xảy ra vụ cháy. Chẳng hạn, sự cố cháy Nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông năm 2019 đã để lại hậu quả về môi trường hết sức nặng nề khiến nhiều hộ dân và học sinh xung quanh phải di cư đến nơi khác sinh sống.

Trên thực tế, tình trạng mất an toàn cháy nổ hiện nay đã được cảnh báo không ít lần nhưng sau đó, những vụ cháy nổ gây hậu quả nghiêm trọng vẫn liên tiếp xảy ra, gây thiệt hại về người và tài sản, gây tác động đến môi trường.

Để kiểm soát và giám sát hoạt động bảo vệ môi trường ở các đơn vị, nhà nước quy định khi lập báo cáo đánh giá tác động môi trường đều phải có chương trình phòng chống ứng phó sự cố cháy nổ đều phải được thông qua, có dự thảo chương trình và phải được cơ quan PCCC thông qua. Tuy nhiên, hiện nay nhiều doanh nghiệp, nhà chung cư, nhà cao tầng chưa quan tâm đến hậu quả của hỏa hoạn dẫn đến suy giảm chất lượng môi trường về mặt không khí, nước, đất đai, cây trồng, vật nuôi cũng như sức khỏe của cộng đồng.

Vậy câu hỏi đặt ra, vụ cháy tại sân Golf Minh Trí sẽ có những ảnh hưởng như thế nào tới môi trường xung quanh? Kính đề nghị UBND TP. Hà Nội, UBND huyện Sóc Sơn chỉ đạo các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc để làm rõ nguyên nhân vụ cháy. Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn sẽ tiếp tục thông tin trong những bài tiếp theo.

Bài liên quan
  • Phòng chống cháy nổ, Hà Nội quy định về khu vực để xe của chung cư mini
    UBND TP Hà Nội yêu cầu đối với công trình nhà ở riêng lẻ nhiều tầng, nhiều căn hộ (chung cư mini) phải thực hiện rà soát và bố cục lại toàn bộ khu vực để xe đảm bảo diện tích tối thiểu 6m2 chỗ để xe máy, xe đạp cho mỗi căn hộ, đảm bảo giải pháp ngăn cháy, khoảng cách giữa các xe, an toàn giao thông cho người đi lại, điều kiện về lối thoát nạn qua khu vực để xe.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sóc Sơn (Hà Nội): Vụ cháy tại sân Golf Minh Trí có ảnh hưởng như nào tới môi trường?