Khu vực tuyến đê biển từ ranh giới tỉnh Bạc Liêu đến cống số 4 có chiều dài 6km bị đe dọa trực tiếp do sóng biển và sự biến đổi của dòng chảy.
Trong khi đó, sạt lở bờ sông cũng đang diễn ra với tần suất ngày càng cao. Trên địa bàn huyện Cù Lao Dung, sạt lở tập trung vào khu vực bờ sông Định An đoạn qua xã An Thạnh 3 có chiều dài trên 3.000m. Xói lở nghiêm trọng trên bờ sông Trần Đề đoạn qua ấp Nguyễn Tăng, xã Đại Ân 1 có chiều dài trên 500m làm ảnh hưởng và buộc phải di dời 24 hộ dân đến nơi an toàn.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy Lợi tỉnh Sóc Trăng Phạm Tấn Đạo, những năm gần đây, tình hình thiên tai sạt lở bờ sông, bờ kênh gây thiệt hại đường giao thông nông thôn, nhà cửa, cơ sở hạ tầng công cộng…trên địa bàn huyện Cù Lao Dung xảy ra ngày càng nhiều, cao điểm nhất là vào tháng mưa, lũ, triều cường.
Sạt lở bờ sông đang uy hiếp nhà dân tại Sóc Trăng.
Thống kê của Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Sóc Trăng cho thấy, từ năm 2019 đến nay, riêng bờ sông Hậu trung bình mỗi năm sạt lở chiều dài khoảng 500 – 1.000 m.
Tính từ đầu năm 2022 đến nay, sạt lở bờ sông Hậu tiếp tục diễn biến phức tạp, qua khảo sát đã có khoảng 30 điểm sạt lở nguy hiểm, với tổng chiều dài trên 1.500 m thuộc địa bàn xã Đại Ân 1 và An Thạnh Đông, làm vỡ bờ bao nuôi tôm của dân phía ngoài đê và lấn sâu vào sạt lở hết chân và mái để bao Tả, Hữu Cù Lao Dung.
Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung Trần Văn Nguyên cho biết, qua báo cáo tình trạng sạt lở khẩn cấp tuyến đê bao Tả, Hữu trên địa bàn huyện Cù Lao Dung, Uỷ ban nhân dân huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Trạm Quản lý thủy nông cùng Ủy ban nhân dân các xã rà soát, khảo sát toàn bộ tuyến đê bao Tả, Hữu trên địa bàn huyện.
Kết quả khảo sát có trên 30 điểm sạt lở nghiêm trọng lấn sát chân đê bao Tả, Hữu trên địa bàn 2 xã là Đại Ân 1 (18 điểm sạt lở) và xã An Thạnh Đông (12 điểm sạt lở), với chiều dài sạt lở hơn 1.500 m (xã An Thạnh Đông là 950 m; xã Đại Ân 1 là 550 m).
Trên các đoạn sạt lở này có khoảng 300 hộ dân đang sinh sống (xã An Thạnh Đông có 180 hộ; xã Đại Ân 1 có 120 hộ), diện tích nuôi thuỷ sản (nuôi tôm) trên 300.000 m2 (xã An Thạnh Đông là 170.000m2, xã Đại Ân 1 là 130.000m2) diện tích trồng cây ăn trái, hoa màu trên 400 ha; trong đó xã An Thạnh Đông 230ha; xã Đại An 1: 170ha.
Ngoài ra sạt lở còn đe dọa nghiêm trọng đến hệ thống đê Tả, Hữu có chiều dài trên 20km thuộc địa bàn xã An Thạnh Đông bên bờ sông Định An, giáp tỉnh Trà Vinh. Tại hiện trường, các bờ bao bảo vệ hầu hết đều đang bị sạt lở xâm thực nghiêm trọng.
Trên địa bàn huyện Kế Sách, sạt lở diễn ra trên các cồn thuộc sông Hậu như Phong Nẫm, An Tấn, An Công, Mỹ Phước… Tại các kênh nội đồng như Rạch Mọp, kênh Rạch Vọp, khu vực Cầu Lộ xã Thới An Hội, đoạn qua UBND xã Trinh Phú sạt lở đang diễn biến phức tạp.
Do tính chất nghiêm trọng sạt lở đê trên tuyến sông Hậu thuộc địa bàn xã An Thạnh Đông huyện Cù Lao Dung, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã ban hành quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông nguy hiểm trên địa bàn huyện Cù Lao Dung.
Trước đó vào năm 2019, UBND tỉnh Sóc Trăng cũng đã ký ban hành Quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông, bờ biển nguy hiểm trên địa bàn tỉnh.
An Nhiên