Sơn La: Tăng cường kiểm soát ô nhiễm từ chế biến nông sản dịp Tết Nguyên đán

Hoàng Anh|24/01/2023 12:02
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Để đảm bảo phòng ngừa nguy cơ ô nhiễm môi trường, nguồn nước từ hoạt động chế biến nông sản trong dịp Tết nguyên đán năm 2023, Sở TN&MT Sơn La vừa ban hành Công văn số 149/STNMT-QLMT.

Theo đó, Sở TN&TM yêu cầu các cơ sở chế biến nông sản quy mô lớn căn cứ kế hoạch sản xuất niên vụ 2022-2023 và lịch nghỉ Tết nguyên đán, bố trí cán bộ nhân viên, các điều kiện cơ sở vật chất để vận hành hệ thống thu gom, xử lý chất thải, trong mọi trường hợp không được phép xả thải không đạt quy chuẩn ra môi trường. Tiếp tục thực hiện đúng, đầy đủ các nội dung theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước.

moi-truong.jpg
Sơn La tăng cường kiểm soát ô nhiễm từ chế biến nông sản dịp Tết Nguyên đán

Sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán, với các cơ sở không tiếp tục hoạt động, báo cáo kết quả hoạt động niên vụ 2022-2023 và thời điểm bắt đầu dừng hoạt động với UBND tỉnh (qua Sở TN&MT) để tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng các công trình xử lý chất thải. Cơ sở tiếp tục hoạt động, nghiêm túc thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước.

Đề nghị UBND các huyện, thành phố thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường theo quy định. Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND cấp xã thường xuyên theo dõi, giám sát hoạt động sản xuất, việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước của các cơ sở chế biến nông sản, đặc biệt là các cơ sở chế biến nông sản quy mô nhỏ lẻ.

Nghiêm cấm mọi trường hợp xả nước thải, chất thải rắn chưa qua xử lý (hoặc xử lý không đạt quy chuẩn) từ hoạt động sản xuất ra môi trường gây ô nhiễm. Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm hoặc sự cố ô nhiễm môi trường, kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo Sở TN&MT để phối hợp giải quyết.

Đề nghị Công an tỉnh chỉ đạo Phòng Cảnh sát môi trường phối hợp với lực lượng Công an các huyện, thành phố tiếp tục chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về môi trường trong hoạt động chế biến nông sản dịp Tết Nguyên đán 2023.

Riêng đối với các phòng, đơn vị thuộc Sở TN&MT, có trách nhiệm bố trí lãnh đạo, chuyên viên thường xuyên theo dõi đường dây nóng (điện thoại, gmail) của Sở, tình hình hoạt động sản xuất và việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước của các cơ sở chế biến nông sản. Trường hợp có kiến nghị, phản ánh liên quan đến ô nhiễm môi trường, kịp thời báo cáo để giải quyết theo đúng quy định.

Trung tâm Quan trắc TN&MT bố trí viên chức, phương tiện, trang thiết bị, sẵn sàng thực hiện quan trắc, phân tích chất lượng môi trường trong trường hợp có sự cố xảy ra.

Theo lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Sơn La, niên vụ 2022-2023, Tổ công tác giám sát việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước với các cơ sở chế biến nông sản đã tổ chức giám sát trực tiếp việc chấp hành quy định tại 7 cơ sở quy mô tập trung.

Đồng thời, Sở TN&MT thường xuyên giám sát hoạt động của các cơ sở thông qua hệ thống camera giám sát các khu xử lý chất thải. Nhìn chung, các cơ sở đã chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước trong quá trình hoạt động; chưa phát hiện dấu hiệu bất thường trong thu gom, xử lý chất thải.

Sở TN&MT cũng đã chỉ đạo Trung tâm Quan trắc thực hiện quan trắc chất lượng môi trường nước mặt, nước dưới đất tại một số khu vực có nguy cơ ô nhiễm từ hoạt động chế biến nông sản trên địa bàn huyện Mai Sơn, Mường La và thành phố Sơn La, để chủ động theo dõi, đánh giá diễn biến chất lượng môi trường.

Tại các huyện, thành phố đã chỉ đạo các phòng, ban, UBND các xã, phường, thị trấn kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường với các cơ sở quy mô nhỏ lẻ. Tổ chức rà soát, khoanh vùng các khu vực có nguy cơ ô nhiễm từ hoạt động chế biến nông sản. Theo dõi, giám sát thường xuyên diễn biến chất lượng nước mặt, nước dưới đất, nước sinh hoạt... tại các khu vực này để chủ động triển khai các phương án ứng phó, phòng ngừa ô nhiễm.

Theo báo cáo nhanh từ các địa phương, niên vụ năm nay, Đoàn liên ngành của huyện Mai Sơn đã kịp thời kiểm tra nắm bắt tình hình, phát hiện và xử lý 4 trường hợp vi phạm với số tiền trên 170 triệu đồng; tuyên truyền, hướng dẫn 14 hộ lập hồ sơ đăng ký môi trường.

Tại huyện Sốp Cộp, 24 cơ sở sơ chế, chế biến nông sản chủ yếu là hộ gia đình, cá nhân. Các hộ đã có ý thức đào hố xử lý nước thải, tận dụng vỏ cà phê làm phân bón, hạn chế tác động đến môi trường, nguồn nước.

Còn tại huyện Thuận Châu, 7 cơ sở chế biến cà phê đã xây dựng bể thu gom nước thải sản xuất, lót bạt chống thấm, lắp đặt camera giám sát theo dõi kết nối về phòng TN&MT huyện. Tổ công tác UBND huyện Thuận Châu đã thường xuyên kiểm tra, giám sát, đảm bảo các cơ sở nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường.

Bài liên quan
  • Chơi ở đâu khi đến Sơn La?
    Nằm ở ngay trung tâm vùng Tây Bắc, Sơn La được thiên nhiên ưu ái với núi rừng hung vĩ, sự đa dạng trong văn hóa của các dân tộc. Đây cũng là một trong rất nhiều những lý do du khách chọn khám phá Sơn La.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Sơn La: Tăng cường kiểm soát ô nhiễm từ chế biến nông sản dịp Tết Nguyên đán