Sơn La: Thâm canh lúa cải tiến SRI thích ứng biến đổi khí hậu

Nguyễn Nga|22/05/2017 08:55
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Cánh đồng lúa BC 15 cấy theo phương pháp cải tiến SRI, tại bản Cang, xã Quang Huy, huyện Phù Yên

(Moitruong.net.vn) – Mô hình thâm canh lúa cải tiến SRI từ năm 2013 đến nay tại huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La đã cho năng suất cao hơn, ít sâu bệnh hơn, không phải dùng thuốc trừ cỏ. Hơn nữa, phương pháp này còn góp phần bảo vệ môi trường, thích  ứng biến đổi khí hậu.

Theo thống kê, tại Bản Cang, xã Quang Huy, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La hiện có hơn 11ha lúa, của 99 hộ dân, thì đều đang gieo cấy giống lúa chất lượng cao BC 15 từ năm 2013 tới nay. Từ ngày được chuyển giao kỹ thuật canh tác mới, năng suất tăng cao rõ rệt. Năng suất giờ đạt 7 – 8 tấn/ha, gấp nhiều lần so với trước.

Hơn nữa, với phương pháp thâm canh lúa cải tiến, bà con lại tiết kiệm được thuốc trừ cỏ, trừ sâu, góp phần bảo vệ môi trường. Nhờ vậy mà cuộc sống của người dân nơi đây ổn định hơn, thời điểm giáp hạt, người dân không còn cảnh thiếu đói, phải đi vay, mượn thóc, gạo như trước.
Chia sẻ về mô hình thâm canh lúa cải tiển mới này, ông Lò Văn Tới, ở bản Cang chia sẻ: Gia đình tôi có 2.000m2 trồng lúa, năng suất thu được năm 2016 tăng 20 – 30% so với trước. Trước đây, người dân chúng tôi chủ yếu canh tác gieo vãi, hạt thóc rơi vãi nhiều, năng suất không đảm bảo. Giờ thì vui rồi, được chuyển giao phương pháp cấy mới, thấy hiệu quả rõ rệt.

Ông Cầm Văn An, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Huy cho biết: Xã Quang Huy có 22 bản với 5 dân tộc anh em cùng chung sống, chủ yếu là người Thái và Mường. Trước đây, người dân trồng lúa không có phương pháp và chưa được cải tiến về kỹ thuật, chỉ gieo vãi đại trà, cây lúa phát triển không đều, nhiều sâu bệnh, cỏ dại mọc nhiều, người dân phải phun thuốc trừ cỏ, trừ sâu. Năm 2013, xã Quang Huy được lựa chọn triển khai trình diễn mô hình lúa theo phương pháp SRI, đã khắc phục được những hạn chế trên 100%. Đặc biệt, người dân ý thức được phương pháp cấy này cho năng suất cao hơn, ít sâu bệnh hơn, không phải dùng thuốc trừ cỏ. Từ đó, góp phần bảo vệ môi trường, thích  ứng biến đổi khí hậu.

thâm canh lúa cải tiến tại sơn laMô hình canh tác lúa nếp cái hoa vàng theo phương pháp SRI tại huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La

Hệ thống canh tác lúa cải tiến SRI (System of Rice Intensification) là phương pháp canh tác lúa sinh thái và hiệu quả. Ứng dụng hệ thống canh tác lúa cải tiến SRI là một trong những phương pháp sản xuất phù hợp nhất nhằm giúp người nông dân chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa làm tăng hiệu quả canh tác lúa và bảo vệ tốt môi trường. Mục tiêu chính của ứng dụng phương pháp SRI là nhằm phát triển hệ thống sản xuất lúa bền vững bao gồm: Cấy mạ non, cấy thưa, cấy 1 dảnh, sử dụng phân hữu cơ, quản lý nước và làm cỏ bằng tay, hạn chế thấp nhất sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Trước thực trạng biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng đến sự phát triển môi trường sinh thái và hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân, từ vụ xuân 2012 – 2013, UBND huyện Phù Yên đã đưa vào sản xuất trình diễn mô hình canh tác lúa cải tiến SRI với giống lúa chất lượng cao BC 15 trên nền đất lúa 2 vụ tại 2 xã Quang Huy và Huy Bắc, với quy mô 10ha, gồm 86 hộ nông dân tham gia.

Ông Cầm Ngọc Liên, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Phù Yên đánh giá: Sau khi triển khai, kết quả cho thấy, giảm chi phí về giống, hạn chế cỏ dại, cây lúa khỏe nên tăng khả năng chống chịu sâu bệnh, giảm lượng nước tưới tiêu. Lúa cứng cây, chống đổ tốt, có khả năng chống chịu khá với sâu bệnh hại do đó giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên thân thiện với môi trường và góp phần bảo vệ sức khỏe con người. Mô hình cho năng suất cao đạt trung bình 75 tạ/ha, chất lượng gạo phù hợp thị hiếu của thị trường, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Chi phí cho 1ha lúa hơn 20,5 triệu đồng, cho thu nhập hơn 52,5 triệu đồng. Từ hiệu quả ban đầu, tới nay, các xã trên địa bàn huyện Phù Yên đều đã chuyển đổi sang canh tác theo mô hình lúa SRI.

Trong thời gian tới, để mô hình thâm canh lúa cải tiến theo phương pháp SRI nhanh chóng được nhân ra diện rộng, tỉnh Sơn La đang tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ nông dân hiểu được mục đích và lợi ích lâu dài khi áp dụng biện pháp cấy mạ non, cấy nông tay, thẳng hàng, cấy một dảnh, điều tiết nước. Đồng thời kịp thời nắm bắt những nhu cầu, nguyện vọng của người nông dân, để từ đó đưa ra các giải pháp khuyến khích áp dụng đồng bộ quy trình tiến bộ khoa học mới, hướng tới sự phát triển bền vững.

Nguyễn Nga

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Sơn La: Thâm canh lúa cải tiến SRI thích ứng biến đổi khí hậu
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.