Biến đổi khí hậu

Sông băng tan chảy nhanh chóng, nguy cơ thảm họa môi trường toàn cầu

Châu Anh 12/02/2025 11:00

Hàng trăm nghìn sông băng trên thế giới đang thu hẹp với tốc độ đáng báo động, đe dọa nguồn nước ngọt và làm gia tăng rủi ro thiên tai.

Sông băng tan chảy nhanh chóng, nguy cơ thảm họa môi trường
Hàng trăm nghìn sông băng trên thế giới đang lưu trữ khoảng 70% lượng nước ngọt của hành tinh, cung cấp nước cho khoảng 2 tỷ người trên toàn cầu.

Thế nhưng, những năm gần đây, số lượng sông băng đang bị thu hẹp, gây khủng hoảng nghiêm trọng về môi trường và nhân đạo.

song-bang-tan-chay-0408.jpg
Sông băng tan chảy nhanh chóng, nguy cơ thảm họa môi trường toàn cầu

Năm 2024 vừa qua, tốc độ sông băng tan chảy tiếp tục ở mức báo động, thậm chí nhiều nơi cảnh báo thảm họa.

Tại Thụy Sĩ, các sông băng tan với tốc độ trên trung bình, trong bối cảnh mùa hè nóng gay gắt. Hơn một nửa số sông băng ở dãy Alps nằm ở Thụy Sĩ - nơi nhiệt độ đã tăng cao hơn khoảng 2 lần mức trung bình toàn cầu do biến đổi khí hậu. Dự báo, nếu lượng khí thải nhà kính tiếp tục tăng, các sông băng trên dãy Alps có thể mất hơn 80% khối lượng hiện có vào năm 2100.

Tại Italia, sông băng Marmolada, sông băng mang tính biểu tượng nhất của dãy Dolomites được cảnh báo có thể tan chảy hoàn toàn vào năm 2040.

Còn tại Trung Á, do ảnh hưởng nặng nề biến đổi khí hậu, hàng nghìn sông băng trên những đỉnh núi ở độ cao chót vót 4.000m so mực nước biển cũng đang tan chảy với tốc độ đáng báo động.

Theo các chuyên gia, sự tan chảy của hàng nghìn sông băng cùng lúc ở Trung Á có thể gây ra mối đe dọa lớn đối với người dân trong khu vực, ảnh hưởng an ninh lương thực, thậm chí tình trạng khan hiếm nước ngọt có thể là nguồn cơn gây căng thẳng giữa các nước láng giềng.

Mới đây, các nhà khoa học cảnh báo về một kịch bản nghiệt ngã khi sông băng Thwaites ở Nam Cực, vốn được biết đến với tên gọi “Sông băng Ngày tận thế”, đang tan chảy với tốc độ ngày càng nhanh và có thể sụp đổ theo cách không thể đảo ngược, gây ra thảm họa nước biển dâng toàn cầu.

Vấn đề là, theo các nhà khoa học, “kịch bản vô cùng xấu” là kể cả khi con người ngừng đốt nhiên liệu hóa thạch ngay lập tức, thì có thể cũng đã quá muộn để cứu sông băng này. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho biết, vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn để tìm hiểu thêm về dòng sông băng phức tạp này.

Nhấn mạnh bảo vệ các sông băng trên thế giới là “chiến lược sinh tồn” cấp thiết cho hành tinh, Liên hợp quốc mới đây kêu gọi các quốc gia và tổ chức tăng cường nỗ lực bảo vệ 275.000 sông băng trên toàn cầu bị ảnh hưởng do sự nóng lên của Trái đất. Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) cùng Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) phát động năm 2025 là Năm quốc tế bảo tồn sông băng, mục tiêu là nâng cao nhận thức toàn cầu về vai trò thiết yếu của sông băng trong điều hòa khí hậu và hỗ trợ hệ sinh thái.

Các hoạt động trọng điểm gồm cải thiện nghiên cứu khoa học, xây dựng chính sách phù hợp Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, huy động tài chính hỗ trợ các cộng đồng dễ bị tổn thương, thúc đẩy sự tham gia của thanh niên và cộng đồng địa phương…

Các chuyên gia cảnh báo, việc khôi phục các sông băng sẽ mất hàng chục năm, đòi hỏi những thay đổi chính sách khẩn cấp, các kỹ thuật đo lường hiệu quả hơn và thiết lập các hệ thống cảnh báo sớm về thiên tai.

Ngoài ra, các cơ quan Liên hợp quốc cũng kêu gọi cắt giảm ngay lập tức và bền vững lượng khí thải nhà kính, nhằm chống lại tình trạng băng tan đang diễn ra nhanh chóng và những tác động rộng hơn đến môi trường.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Sông băng tan chảy nhanh chóng, nguy cơ thảm họa môi trường toàn cầu
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.