Sông Tô Lịch dài 14km, bắt đầu từ phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy), chảy ra sông Nhuệ đoạn xã Hữu Hòa (huyện Thanh Trì). Tiếp nhận phần lớn nước thải chưa qua xử lý của các quận Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Ba Đình… khiến tình trạng ô nhiễm dòng sông này ngày càng trầm trọng. Cả dòng sông dài 14km trở thành cống nổi, ứ đọng nước thải bốc mùi hôi thối quanh năm. Để khắc phục tình trạng trên, kể từ đầu những năm 2000 đến nay, sông Tô Lịch trải qua nhiều phương pháp thử nghiệm làm sạch của các tổ chức quốc tế và trong nước. Với mỗi biện pháp đưa ra, Hà Nội luôn đặt kỳ vọng hồi sinh dòng sông này.
Có thể điểm lại rất nhiều giải pháp đã từng được thử nghiệm để hồi sinh sông Tô Lịch. Đó là lấy nước sông Hồng tạo dòng chảy sông Tô Lịch; dùng chế phẩm Redoxy-3C khử ô nhiễm nước; công nghệ Nhật Bản phân hủy bùn. Nhưng hàng chục năm qua, chưa có giải pháp nào phát huy được hiệu quả. Theo các chuyên gia, để giải cứu sông Tô Lịch cần nhìn vào nguyên nhân trực tiếp bức tử con sông. Con sông này nhiều năm nay không có nguồn cấp nước. Mực nước sông Hồng tụt xuống thấp, theo tính toán khoảng 2-8m. Nếu không có mưa thì nguồn cấp nước hàng ngày trên sông Tô Lịch chính là các điểm xả thải. Trên sông Tô Lịch có tới 456 điểm xả thải, trung bình mỗi ngày, tiếp nhận khoảng 160.000m3 nước thải sinh hoạt.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn, ông Đặng Huy Đông - Viện trưởng nghiên cứu quy hoạch và phát triển cho biết: “Nước thải thành phố không chảy xuống nữa thì có 2 cách nỗ lực làm và truyền thống là thu gom đường ống nước thải tập trung và xử lý tập trung.”
Để giải cứu sông Tô Lịch, cần xử lý triệt để nguồn thải xả thẳng xuống sông. Đây chính là hệ thống cống ngầm chạy dọc sông Tô Lịch. Sau 5 năm thi công, ống cống gom nước thải cho sông Tô Lịch đang chuẩn bị hoàn thành. Khi đưa vào hoạt động, nước thải sinh hoạt sẽ trực tiếp đổ vào đường ống này. Các nhà thầu, kỹ sư đang rất tin tưởng các dòng sông sẽ thay đổi đáng kể về diện mạo từ ống cống gom nước thải.
Về việc làm sạch nước sông Tô Lịch, TS Đào Trọng Tứ - Trưởng ban Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho biết: “Câu chuyện làm sạch nước chỉ có nguyên tắc là, tách nước thải của đô thị ra khỏi con sông để xử lý trước khi xả xuống sông.”
Là công nhân trực tiếp tham dự vào dự án, ông Ngô Công Hải - Công nhân Dự án cải tạo sông Tô Lịch chia sẻ: “ Anh em công nhân cũng rất phấn khởi vì bản thân đã hoàn thành công việc, góp phần cho môi trường sạch sẽ. Chúng tôi cảm thấy rất vui và hạnh phúc.”
Đồng hành cùng dự án trong suốt 5 năm, ông Chong Jiun Yiat, Giám đốc dự án Xây dựng cống bao sông Tô Lịch chia sẻ: "Giờ chuẩn bị hoàn thành, tôi rất hạnh phúc. Đồng hành cùng dự án suốt 5 năm qua, tôi hoàn toàn tin tưởng thời gian ngắn nữa thôi sông Tô Lịch sẽ trong xanh trở lại, chúng tôi tin tưởng và thường ví von với nhau, cá cũng có thể tung tăng bơi được ở đây.”
Sau khi nước thải được gom từ cống ngầm sẽ đưa về nhà máy nước thải Yên Xá để xử lý. Sau đó, nguồn nước bảo đảm chất lượng sẽ được đổ ngược trở lại sông Tô Lịch.
Theo ông Mai Thanh Phong - Kỹ sư Nhà máy xử lý nước Yên Xá cho biết: “Chúng tôi đang cố gắng nỗ lực tối đa để thực hiện công việc là chạy thử, sau đó là mình sẽ chờ đón nước bẩn về công trình để tiến hành chạy.”
Với những giải pháp đồng bộ, cùng sự đầu tư lớn về nguồn lực, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030, sông Tô Lịch sẽ thực sự chảy trở lại. Trong dịp kiểm tra tiến độ dự án gần đây nhất, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu, đẩy nhanh tiến độ để năm 2025 hoàn thành hệ thống đường ống gom nước thải về nhà máy.