Sốt xuất huyết căn bệnh theo mùa: Làm gì để tránh?

Minh Lâm|22/10/2023 20:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Sốt xuất huyết là một trong những căn bệnh truyền nhiễm phổ biến, xuất hiện theo mùa và nếu không có biện pháp điều trị kịp thời sẽ gây ra biến chứng nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh. Bệnh sốt xuất huyết ở người lớn và trẻ nhỏ thường có những triệu chứng cảnh báo khá giống nhau.

Sự nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết (SXH) là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do virus dengue gây ra.

Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Hai loại muỗi vằn truyền bệnh có tên khoa học là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó chủ yếu là do Aedes aegypti. Đây là loại muỗi có màu đen, thân và chân có những đốm trắng thường được gọi là muỗi vằn. Muỗi vằn cái đốt người vào ban ngày, đốt mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối.

sot-xuat-huyet.jpg
Sốt xuất huyết là một trong những căn bệnh truyền nhiễm phổ biến, xuất hiện theo mùa

Muỗi vằn thường trú đậu ở các góc/xó tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà. Muỗi vằn đẻ trứng, sinh sản ở các ao, vũng nước hoặc các dụng cụ chứa nước sạch trong và xung quanh nhà hoặc đồ phế thải có chứa nước…và phát triển mạnh vào mùa mưa nên bệnh SXH rất dễ bùng phát thành dịch lớn, nhất là vào các tháng 7, 8, 9, 10. Ở Việt Nam, bệnh lưu hành rất phổ biến ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam, từ thành thị đến vùng nông thôn và xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa.

Vi rút Dengue gây ra bệnh SXH có 4 típ gây bệnh được ký hiệu là D1,
D2, D3, D4. Cả 4 típ gây bệnh này đều gặp ở Việt Nam và luân phiên
gây dịch. Do miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính
đặc hiệu đối với từng típ nên người ta có thể mắc bệnh SXH lần thứ 2 hoặc thứ 3 bởi những típ khác nhau.

Do chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh nên SXH dễ gây ra dịch lớn với nhiều người mắc cùng lúc, làm cho công tác điều trị hết sức khó khăn, có thể gây tử vong nhất là với trẻ em, gây thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội.

Triệu chứng sốt xuất huyết SXH thường có biểu hiện khởi phát ban đầu là sốt cao, đột ngột, không đáp ứng thuốc hạ sốt. Theo chuyên môn, SXH được chia làm 3 cấp độ là SXH Dengue, SXH Dengue cảnh báo và SXH Dengue nặng. Tuy nhiên, để chúng ta dễ hiểu, tùy theo tình trạng bệnh, có thể chia thành 02 mức độ là: Sốt xuất huyết nhẹ và sốt xuất huyết thể nặng.

Triệu chứng SXH thể nhẹ thường bị nhầm lẫn với các bệnh như sốt, cảm hoặc phát ban đỏ. Các triệu chứng phổ biến nhất của SXH thể nhẹ bao gồm: sốt kèm đau mắt, nhức đầu, phát ban, đau xương, buồn nôn, đau xương khớp,…

Người bệnh bị SXH thể nhẹ sẽ kéo dài các triệu chứng từ 4 – 7 ngày.
Nếu SXH thể nhẹ, người bệnh được chăm sóc đúng cách có thể khỏi bệnh sau khoảng 1 tuần kể từ khi sốt.

Còn sốt xuất huyết thể nặng, khi bị mắc, người bệnh sẽ có các triệu chứng của thể nhẹ cộng thêm các triệu chứng như: Xuất hiện các chấm xuất huyết ngoài da; Chảy máu mũi hoặc ở chân răng; Xuất huyết âm đạo hoặc tiểu máu; Nôn ói ra máu hoặc có máu trong phân (do xuất huyết nội tạng); Nôn nhiều, đau bụng, chân tay lạnh ẩm; Người mệt mỏi li bì, choáng.

Khi người bệnh chuyển biến sang SXH thể nặng cần được cấp cứu kịp thời, nếu trễ có thể dẫn đến tử vong hoặc di chứng nặng về sau.

Với trẻ em, khi bị sốt xuất huyết, trẻ em sẽ có dấu hiệu sốt cao
từ ngày thứ 3. Nhiều cha mẹ nhầm với bệnh cảm cúm hay bệnh liên quan đến đường hô hấp, dẫn đến phát hiện bệnh trễ, có thể gây ra các biến chứng nặng.

Các dấu hiệu cần biết để đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế

Theo TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới,
Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh SXH thường nhẹ và được chăm sóc, điều trị tại nhà. Nếu trẻ bị sốt cao từ ngày thứ 2 trở đi và ở trong khu vực có người bị sốt xuất huyết thì cha mẹ cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, theo dõi và tư vấn điều trị, phòng bệnh.

Trường hợp trẻ được chăm sóc và theo dõi tại nhà, cha mẹ khi thấy
trẻ sốt trên 38,5 độ C, cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt Paracetamol với liều 10 - 15 mg/kg cân nặng, nhắc lại liều sau 4 -6 giờ/lần nếu trẻ có sốt lại. Có thể kết hợp với chườm ấm để tránh biến chứng sốt cao gây co giật.

Cha mẹ cho trẻ uống nhiều nước như: Nước Oresol (pha theo đúng liều lượng hướng dẫn), nước lọc, nước cam, nước dừa…Trẻ cần được ăn thức ăn lỏng, mềm, dễ tiêu, ăn thức ăn giàu vitamin, rau…

Bác sĩ Lâm lưu ý cha mẹ khi chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết, tuyệt đối không nên cho trẻ uống các loại nước có ga, nước có màu đỏ hoặc màu nâu; Tránh thức ăn cay, thức ăn có màu đỏ hoặc màu nâu, thức ăn quá nóng hay quá lạnh; Tuyệt đối không dùng nhóm thuốc hạ sốt Ibuprofen hoặc aspirin để hạ sốt cho trẻ vì thuốc này khiến tình trạng chảy máu trầm trọng lên, có thể gây xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng; Không tự ý ra hiệu thuốc mua kháng sinh cho con dùng vì sốt xuất huyết là do virus Dengue gây ra và không đưa trẻ đi truyền dịch ở những cơ sở y tế không đảm bảo, các phòng khám tư nhân không đủ điều kiện làm thủ thuật vì dùng kháng sinh không những không hiệu quả mà còn làm nặng thêm tình trạng gan, thận.

diet-muoi.png
Phun thuốc diệt muỗi tại cộng đồng là biện pháp tốt nhất để phòng, chống bệnh sốt xuất huyết

Bệnh SXH thường nhẹ và được chăm sóc, điều trị tại nhà. Tuy nhiên khi phát hiện người bệnh có các biểu hiện sau: Đau bụng; Nôn ói liên tục; Chảy máu lợi, chân răng; Nôn ra máu; Thở nhanh; Mệt mỏi, bồn chồn (Vật vã, lừ đừ, li bì); Một số trường hợp, người bệnh có thể hạ thân nhiệt, ngủ vùi…, cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Bệnh SXH đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy (ấu trùng của muỗi) và phòng muỗi đốt.

Để tích cực, chủ động phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, ngoài việc thực hiện ngủ phải mắc màn, người dân cần thực hiện thường xuyên các biện pháp nhằm ngăn cản sự phát sinh của muỗi như: Dụng cụ đựng nước phải có nắp dậy và thường xuyên được thay nước và cọ rửa vệ sinh; khơi thông dòng chảy không để đọng nước lâu ngày và thu dọn đồ phế liệu, rác thải để muỗi không còn môi trường ẩn nấp và sinh sống.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sốt xuất huyết căn bệnh theo mùa: Làm gì để tránh?