Ba dấu hiệu biến chứng bệnh tay chân miệng cực kỳ nguy hiểm, phụ huynh cần lưu ý

Lam Giang|15/10/2023 07:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Bệnh chân tay miệng được chia thành 4 cấp độ và lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc qua đồ dùng, vật dụng bị nhiễm vi rút. Khi bệnh nhân sốt trên 38,5 độ C kéo dài trong vòng 48 giờ và không đáp ứng thuốc điều trị, cần nhập viện ngay lập tức.

4 cấp độ bệnh chân tay miệng

Ở cấp độ 1, dấu hiệu của bệnh là có thể bị loét miệng và phát ban ngoài da dưới dạng các nốt phỏng nước. Ở cấp độ này, chúng ta hoàn toàn có thể điều trị ngoại trú, dưới sự theo dõi định kỳ của nhân viên y tế.

Lên cấp độ 2, biến chứng chân tay miệng sẽ xuất hiện ở thần kinh và tim mạch dạng nhẹ. Trẻ em sẽ giật mình dưới hai lần trong vòng 30 phút và thường sốt trên 39 độ C và kéo dài trên 2 ngày, kèm theo khó ngủ, lờ đờ, đau cơ, chán ăn… Nhiều trẻ có thể có biểu hiện đi loạng choạng, ngồi không vững, giật nhãn cầu, nuốt sặc, giọng nói thay đổi…

Ở cấp độ 3, người mắc bệnh tay chân miệng mạch đập nhanh, hơn 170 lần/phút. Nếu mạch đập rất chậm thì đó là dấu hiệu rất nặng. Ngoài ra, còn có một số biểu hiện khác như: Lạnh toàn thân hoặc khu trú; Vã mồ hôi; Tăng huyết áp; Rối loạn tri giác; Thở nhanh, nhịp thở bất thường.

tay-chan-mieng.jpg
Ảnh minh họa.

Ở cấp độ 4, cấp độ này, bệnh tay chân miệng biến chứng rất nặng,
xuất hiện dấu hiệu sốc như: Biểu hiện sốc là mạch = 0, huyết áp = 0, người tím tái, phù phổi cấp, thở nấc, thậm chí là ngừng thở, ngất xỉu. Với cấp độ này, biến chứng bệnh chân tay miệng đã cực kỳ nguy hiểm, thậm chí có thể dẫn tới tử vong.

Ba dấu hiệu biến chứng cần đưa tới cơ sở y tế gấp

Có 3 dấu hiệu biến chứng bệnh tay chân miệng cực kỳ nguy hiểm, bệnh nhân cần được đưa tới cơ sở y tế gấp.

Dấu hiệu 1: Khi bệnh nhân sốt trên 38,5 độ C kéo dài trong vòng 48
giờ và không đáp ứng thuốc điều trị, bệnh nhân cần nhập viện ngay lập tức để được uống thuốc hạ sốt đặc biệt dưới sự chỉ định của bác sĩ.

Dấu hiệu 2: Giật mình là dấu hiệu của nhiễm độc thần kinh – một trong các biến chứng của tay chân miệng rất nguy hiểm. Nếu quan sát thấy bệnh nhân giật mình nhiều phải đưa đi cấp cứu ngay lập tức.

Dấu hiệu 3: Nếu bệnh nhân là trẻ con, thấy dấu hiệu quấy khóc liên tục, thậm chí cả đêm, cứ khoảng 15-20 phút lại với khóc một lần.

Ngoài ra còn có một số biểu hiện khác như nôn nhiều, nôn khan, khó thở, khó nuốt, run người, ngồi không vững, đi loạng choạng, giọng nói biến đổi…cần phải ngay lập tức đưa đến bệnh viện.

Phương pháp điều trị và cách phòng ngừa

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần Kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, cố vấn chuyên môn Hệ thống tiêm chủng VNVC, phương pháp điều trị cụ thể tùy theo từng mức độ mắc bệnh (từ độ 1 đến độ 4). Dù ở bất cứ cấp độ nào, người bệnh đều cần được nghỉ ngơi hợp lý và theo dõi tình trạng sức khỏe thường xuyên.

Ngoài ra trong quá trình điều trị cho người bệnh từ cấp độ 2 đến cấp độ 4, các bác sĩ còn áp dụng những phương pháp điều trị chống co giật, phù não, điều trị sốc và điều trị suy hô hấp.

Bệnh chân tay miệng không có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng có thể dùng một số thuốc bôi có tác dụng giảm đau và giảm bớt khó chịu như paracetamol hay ibuprofen. Lưu ý không sử dụng thuốc aspirin để giảm đau cho trẻ dưới 18 tuổi vì có khả năng gây ra hội chứng Reye – một căn bệnh hiếm gặp nhưng có thể gây tử vong ở trẻ.

Nguyên nhân gây ra bệnh tay chân miệng là do virus và hiện Việt Nam chưa có vắc xin ngừa tay chân miệng, nhưng vẫn có thể chủ động phòng ngừa bệnh bằng cách giữ gìn vệ sinh thân thể, vệ sinh ăn uống, làm sạch đồ chơi và nơi sinh hoạt.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Ba dấu hiệu biến chứng bệnh tay chân miệng cực kỳ nguy hiểm, phụ huynh cần lưu ý
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.