Những bệnh thường gặp trong mùa mưa lũ

Tâm Anh|01/10/2023 12:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Hàng năm, mùa mưa với những cơn mưa nhiều, bão lớn gây lũ lụt khiến vô số các vi sinh vật, bụi, rác, chất thải,… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh. Người dân cần chú ý thực hiện các biện pháp để phòng tránh những căn bệnh thường gặp trong mùa mưa lũ.

Bệnh đường hô hấp

Bệnh thường gặp nhất là viêm họng, cảm cúm. Người cao tuổi, trẻ em và người mắc các bệnh mạn tính về đường hô hấp rất dễ mắc phải khi những đợt mưa kéo dài. Nếu không được điều trị dứt điểm và có chế độ chăm sóc dinh dưỡng tốt có thể biến chứng sang viêm tiểu phế quản, phế quản, viêm phổi gây khó khăn trong điều trị, ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Triệu chứng đầu tiên của người mắc bệnh đường hô hấp là đau họng khi nuốt, rát cổ họng, sốt, khàn tiếng, ho do bị kích ứng đường hô hấp trên, có thể kèm theo sổ mũi. Khó thở cũng là triệu chứng rất dễ gặp khi mắc các bệnh hô hấp.

Các bệnh về da

Một số bệnh ngoài da thường gặp mùa mưa như nấm kẽ chân, ghẻ, viêm nang lông, nước ăn chân (do nấm ký sinh gây ra), mẩn ngứa...

Nước ăn chân: Do chân tay ngâm trong nước nhiều, luôn ẩm ướt làm cho nấm Candida và Blastomycet xâm nhập và phát triển, hay gặp ở các kẽ ngón chân. Lúc đầu là những đám da chết mục màu trắng, ngứa nhiều, gãi lột lớp da chết để lại nền da đỏ hồng ẩm ướt, đau rát, ngứa vẫn tiếp tục làm bệnh nhân gãi và rất đau. Nếu không được điều trị, vết trợt loét sâu và lan rộng, nhiễm trùng sưng đau, đi lại khó khăn.

benh-mua-mua-lu.png
Phèn chua có hiệu quả tiêu diệt vi khuẩn và có tác dụng giảm ngứa ngáy do bị nước ăn chân

Ghẻ: Căn nguyên do ký sinh trùng có tên gọi là Sarcoptes Scabies xâm nhập da. Thương tổn là những mụn nước, rãnh ghẻ, hay gặp ở kẽ các ngón tay, nếp lằn chỉ cổ tay, cạp quần, vùng bụng, đùi non, mông bẹn, bộ phận sinh dục, nách, gây ngứa nhiều. Nếu không được phát hiện và chữa kịp thời, ghẻ sẽ có biến chứng nhiễm trùng thành những mụn mủ eczema hóa rất khó chữa trị và lây lan ra cộng đồng rất nhanh.

Viêm nang lông: Do thiếu nước sạch trong sinh hoạt, vi khuẩn phát
triển ở những nang lông trên khắp cơ thể tạo thành những mụn mủ nhỏ ở nang lông rất ngứa, gãi nhiều chảy nước, dịch, gọi là viêm nang lông chàm hóa rất khó chữa.

Chốc lở: Là một chứng bệnh da hay gặp khi điều kiện vệ sinh sau
mưa bão kém. Thương tổn là những mụn nước, mụn mủ trên da, tập trung ở vùng hở, tay chân. Khi giập vỡ tạo vết trợt loét nông, trên có vảy màu vàng hoặc màu nâu bẩn, xung quanh có viền vảy hoặc quầng đỏ.

Bệnh tiêu chảy cấp

Là bệnh tăng đáng kể sau mưa lũ do người dân sử dụng nguồn nước
bị ô nhiễm, thức ăn nhiễm khuẩn. Các bệnh như tả, lỵ, thương hàn, nhiễm khuẩn, nhiễm độc thức ăn do các loại vi khuẩn khác (E.coli, Campylobacter...).

Bệnh tiêu chảy cũng dễ lây lan từ người này sang người khác do tiếp
xúc với chất thải của người bệnh với các triệu chứng cơ bản như đau bụng, đi ngoài phân lỏng.

Khuyến cáo phòng bệnh trong mùa mưa lũ

Người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh như: Thực hiện vệ sinh môi trường, vệ sinh thân thể, đồ ăn thức uống phải bảo đảm an toàn thực phẩm; Thay rửa dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước sử dụng cho ăn uống và sinh hoạt; Tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước và loại bỏ các phế thải hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng và sử dụng trang thiết bị bảo hộ trong khi làm vệ sinh môi trường, tránh tiếp xúc với nguồn bệnh.

Khi thấy những dấu hiệu bất thường về sức khỏe thì cần đến cơ sở y tế để khám và điều trị ngay, không tự ý điều trị tại nhà để tránh mất thời gian, làm bệnh thêm nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, tránh lây lan dịch bệnh cho những người xung quanh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những bệnh thường gặp trong mùa mưa lũ