Sửa đổi, bổ sung Nghị định về phương pháp tính mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản

Theo Monre|10/05/2018 07:12
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Khai mạc triển lãm về công nghiệp khai thác và phục hồi tài nguyên khoáng sản

(Moitruong.net.vn) – Chiều ngày 9/5, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên chủ trì cuộc họp Ban soạn thảo và Tổ biên tập Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 203/NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên phát biểu tại buổi họp 

Báo cáo tại cuộc họp, ông Đỗ Cảnh Dương – Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho biết: Sau khi Nghị định số 203/2013/NĐ-CP ngày 28/11/2013 của Chính phủ có hiệu lực, công tác tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đã đạt được các mục tiêu đề ra. Quá trình tính, thẩm định và trình phê duyệt kết quả tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản phù hợp với đặc thù của từng loại, nhóm khoáng sản đã được rút gọn, thủ tục thuận lợi, nhanh chóng và hiệu quả rõ rệt. Sau hơn 4 năm thực hiện, đã thu về cho ngân sách nhà nước hơn 15.000 tỷ đồng từ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Từ báo cáo tổng kết 4 năm thực hiện Nghị định cho thấy bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn một số bất cập như; nhiều dự án khi xem xét cấp phép khai thác thiếu những thông tin cơ bản về địa chất và khoáng sản nên việc xác định trữ lượng để tính tiền cấp quyền khai thác gặp khó khăn; một số mỏ do vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng chưa đưa mỏ vào khai thác nên khó khăn trong việc thực hiện nộp tiền; chưa có quy định về việc hoàn trả tiền cấp quyền trong trường hợp hết thời hạn khai thác nhưng trữ lượng khoáng sản của mỏ vẫn còn hoặc tổng trữ lượng đã khai thác nhỏ hơn trữ lượng được cấp…

Vì vậy, cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 203/2013/NĐ-CP để tiếp tục thực hiện và giải quyết những tồn tại vướng mắc trên, phù hợp với thực tế của công tác tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; thống nhất, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản; đồng thời, tạo thuận lợi, khuyến khích các tổ chức, cá nhân có công nghệ khai thác, chế biến tiên tiến, đủ năng lực tham gia hoạt động khai thác khoáng sản.

Ông Đỗ Cảnh Dương – Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam báo cáo tại cuộc họp

Theo đó, dự thảo lần 1 của Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 203/2013/NĐ-CP đã quy định rõ hơn về trữ lượng tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản ghi trong các Giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp từ trước đến nay (trữ lượng địa chất, trữ lượng khai thác, trữ lượng mỏ, trữ lượng được phép huy động vào khai thác…) nhằm tránh có cách hiểu khác nhau; sửa đổi mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản với bước dao động là 0,5% để phù hợp với đặc thù từng chủng loại, nhóm khoáng sản; quy định về trình tự, thủ tục khi tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với các giấy phép khai thác xin cấp mới hoặc xin gia hạn; quy định chi tiết về phương thức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (nộp một lần; nộp nhiều lần; điều chỉnh, hoàn trả, truy thu khi tổ chức, cá nhân có hồ sơ đề nghị trả lại mỏ, trả lại một phần diện tích khai thác…)

Tại cuộc họp, các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã góp ý vào nội dung của dự thảo Nghị định về các vấn đề như: phương pháp tính và mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản với từng nhóm, loại khoáng sản; phương thức thu, nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trong trường hợp như trả lại một phần hoặc trả lại toàn bộ hay đối với mỏ đấu giá cấp quyền khai thác khoáng sản; đánh giá tác động của việc tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với công tác quản lý nhà nước, đối với doanh nghiệp khai thác khoáng sản, người dân nơi có khoáng sản khai thác…


Toàn cảnh cuộc họp

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Trần Quý Kiên cho biết, thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là một chính sách đã được đưa vào Luật Khoáng sản 2010 nhằm đảm bảo chủ trương kinh tế hóa ngành địa chất và khoáng sản, hạn chế cơ chế xin – cho; đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người dân địa phương nơi có khoáng sản. Tuy nhiên, tại các diễn đàn doanh nghiệp, các doanh nghiệp có kiến nghị các nghĩa vụ tài chính trong đó có việc tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản chưa thực sự khuyến khích các nhà đầu tư đầu tư sâu vào lĩnh vực khoáng sản.

Thứ trưởng Trần Quý Kiên cho rằng, việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cần được duy trì theo Luật Khoáng sản 2010 nhằm tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước và đảm bảo đóng góp của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, để hỗ trợ tốt nhất có thể cho doanh nghiệp thì Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam có thể xem xét, tính toán và đề xuất một mức giảm hợp lý để khuyến khích và giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng đề nghị Tổng cục cần quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác cát sỏi lòng sông; đồng thời, có công cụ để thu đúng và đủ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với loại hình khoáng sản này.

Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị định, Thứ trưởng đề nghị Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam tiếp thu ý kiến các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập để hoàn thiện dự thảo và chuẩn bị xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Theo Monre

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Sửa đổi, bổ sung Nghị định về phương pháp tính mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.