(Moitruong.net.vn) – Loài giun này thực chất là hà ăn gỗ. Chúng có cái thân dài ngoằng, mềm oặt như bún.
Các nhà nghiên cứu vừa phát hiện một loài giun đục thân mới có kích thước rất lớn. Con vật này dài khoảng 1,5m được kéo ra khỏi một lớp vỏ cứng như vỏ sò. Ban đầu, con giun được tìm thấy trong một vùng vịnh cạn tại Philippines.
Loài giun khổng lồ này có tên khoa học là Kuphus polythalamia (hay còn gọi là hà ăn gỗ). Chúng thường lọc vi khuẩn qua mang để làm thức ăn. Ngoài ra, chúng cũng có thể hấp thu năng lượng từ lưu huỳnh trong bùn.
Bước đầu, các nhà khoa học xác định loài giun khổng lồ này ăn vi khuẩn trong bùn. Họ cho rằng, hà đục gỗ thường ở trong thân gỗ, ăn vi khuẩn trong gỗ để sống. Trong khi hà Kuphus sống trong bùn tại môi trường nồng nặc khí hydrogen sulfide – 1 loại khí có mùi trứng thối. Việc tiếp xúc với bùn khiến cơ thể giun khổng lồ này có thể hấp thụ khí lưu huỳnh mùi trứng thối làm năng lượng cho chính mình.
Chính vì thế, loài giun Kuphus này không cần nhiều thức ăn. Hệ tiêu hóa của chúng bị thu hẹp rất nhiều.
Marvin Altamia, một nghiên cứu sinh cho biết: “Tôi rất kinh ngạc khi phát hiện được loài vật mà trước đây chúng tôi đều nghĩ chúng đã tuyệt chủng”.
Tiến sĩ Margo Haygood, người đứng đầu cuộc nghiên cứu cho biết con giun khổng lồ này rất khác với các loài đã biết. Chúng chưa từng được khám phá, không có thông tin về môi trường sống, sinh sản, hoạt động.
Min Tuế