Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T Group và ông Martin Neubert, Tổng Giám đốc phụ trách Thương mại và Phó Chủ tịch Tập đoàn Ørsted ký kết biên bản ghi nhớ (MoU) về việc hợp tác chiến lược trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi tại Việt Nam với sự chứng kiến của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ.
Quan hệ hợp tác chiến lược này hứa hẹn đem lại nguồn cung lớn về năng lượng tái tạo thông qua các dự án điện gió ngoài khơi đầu tư mới tại tỉnh Bình Thuận và tỉnh Ninh Thuận, với tổng công suất lắp đặt ước tính gần 10 GW và tổng giá trị đầu tư khoảng 30 tỷ USD (dự kiến được phân kỳ đầu tư trong thời gian 20 năm).
Theo đó, hai tập đoàn sẽ sử dụng kinh nghiệm, năng lực, phát huy hết thế mạnh và khả năng của mỗi bên nhằm đem lại hiệu quả tích cực cho các dự án, đồng thời góp phần thúc đẩy, hỗ trợ việc hình thành và phát triển cơ sở hạ tầng, chuỗi cung ứng, khung pháp lý hiệu quả cho điện gió ngoài khơi tại Việt Nam. Ngay sau lễ ký kết, hai bên sẽ tiếp tục nghiên cứu, lập quy hoạch các dự án điện gió ngoài khơi phù hợp với quy hoạch điện quốc gia, trình các cấp có thẩm quyền của Việt Nam xem xét phê duyệt.
Với hơn 3.200 km bờ biển và tốc độ gió ổn định ở mức cao, Việt Nam được đánh giá là có một số điều kiện tốt nhất để phát triển điện gió ngoài khơi ở châu Á. Theo Ngân hàng Thế giới, ước tính tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam là khoảng gần 500 GW. Bên cạnh tiềm năng mang đẳng cấp thế giới này, nhu cầu điện năng ngày càng tăng nhanh của Việt Nam đem đến nhu cầu cấp bách về các nguồn điện mới đáng tin cậy, có quy mô lớn trong những thập kỷ tới. Những yếu tố này, kết hợp với tiềm năng chuỗi cung ứng mạnh mẽ của Việt Nam, đã thuyết phục Ørsted và T&T Group tin rằng điện gió ngoài khơi có vai trò quan trọng trong cơ cấu nguồn điện tương lai của Việt Nam.
T&T Group hướng mục tiêu trở thành nhà phát triển điện gió hàng đầu Việt Nam trong tương lai.
Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T Group chia sẻ: “Từ 10 năm trước, chúng tôi đã bắt tay vào nghiên cứu và chuẩn bị các điều kiện phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo để sẵn sàng đón đầu cơ hội. Đến nay, bên cạnh một số dự án điện mặt trời, điện gió lớn đã và sắp hoàn thành, T&T Group còn hoạch định chiến lược phát triển các dự án năng lượng tái tạo, điện khí, cảng và trung tâm khí LNG đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045, phù hợp với chiến lược và quy hoạch năng lượng quốc gia. Việc hợp tác với một tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi như Tập đoàn Ørsted sẽ giúp T&T Group đẩy nhanh tiến độ triển khai hoạch định trên, cũng như đem lại cho chúng tôi những kinh nghiệm và nguồn tài chính quốc tế quý báu trong việc thực hiện các dự án tại Việt Nam”.
Ông Matthias Bausenwein, Chủ tịch Ørsted Châu Á – Thái Bình Dương, cho biết, là tập đoàn dẫn đầu toàn cầu về điện gió ngoài khơi, Ørsted đặt mục tiêu đạt 30 GW điện gió ngoài khơi vào năm 2030: “Để hỗ trợ việc phát triển đầy tham vọng này, chúng tôi cần hợp tác chặt chẽ với các đối tác như T&T Group – doanh nghiệp với những thành tích ấn tượng trong phát triển các dự án năng lượng lớn tại Việt Nam và giúp chúng tôi hiểu biết sâu sắc về thị trường này. Sứ mệnh của chúng tôi là tạo ra một thế giới hoàn toàn sử dụng năng lượng xanh, và để làm được điều này chúng tôi cần sự hỗ trợ. Vì vậy, chúng tôi rất vui khi thấy một công ty đầu ngành như T&T Group cùng chung tay tạo ra một tương lai ngày càng bền vững hơn tại Việt Nam”.
Theo ông Sebastian Hald Buhl, Giám đốc Quốc gia của Ørsted Việt Nam, biên bản ghi nhớ này là bước tiến quan trọng của Ørsted trong việc thiết lập chỗ đứng vững chắc tại Việt Nam và thể hiện khát vọng trong việc trở thành đối tác lâu dài đáng tin cậy tại đây. “Thông qua các dự án chung, chúng tôi rất vui mừng khi cùng T&T Group xây dựng ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi đang sôi động và đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường điện gió ngoài khơi hàng đầu tại Châu Á – Thái Bình Dương. Chúng tôi tin rằng điện gió ngoài khơi là một trong những cách tốt nhất để Việt Nam đáp ứng nhu cầu điện đang tăng nhanh. Nếu được triển khai ở quy mô lớn cùng với khuôn khổ pháp lý phù hợp, điện gió ngoài khơi có thể cạnh tranh với các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than và khí đốt” – ông Sebastian Hald Buhl nói.
Tầm nhìn của Ørsted là tạo ra một thế giới vận hành hoàn toàn bằng năng lượng xanh, thông qua phát triển, xây dựng và vận hành các trang trại điện gió ngoài khơi, trên bờ, trang trại điện mặt trời, nhà máy lưu trữ năng lượng, nhà máy năng lượng sinh học và cung cấp các sản phẩm năng lượng cho khách hàng. Đặt trụ sở chính tại Đan Mạch và Chính phủ Đan Mạch sở hữu cổ phần chi phối, Ørsted là tập đoàn hàng đầu thế giới về điện gió ngoài khơi với hơn 6.000 nhân viên. Đến nay Ørsted đã phát triển và xây dựng 28 trang trại điện gió ngoài khơi với tổng công suất lắp đặt gộp là 7.6 GW công suất gió ngoài khơi và 2,3GW đang được xây dựng. Mục tiêu của Ørsted là lắp đặt 30GW tổng công suất điện gió ngoài khơi trên toàn thế giới vào năm 2030.
Hợp tác với tập đoàn năng lượng bền vững hàng đầu thế giới, T&T Group sẽ đẩy mạnh phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam trong thời gian tới.
Trong khi đó, T&T Group là một trong những tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu của Việt Nam, hoạt động đa ngành, và đang ghi dấu ấn với lĩnh vực phát triển năng lượng. Riêng trong năm 2020, T&T Group đã đưa vào vận hành 4 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất 245 MWp. Trong năm 2021, T&T Group dự kiến đưa vào vận hành 5 nhà máy điện gió tại các địa phương giàu tiềm năng trong cả nước với tổng công suất 530 MW. Theo kế hoạch, trong 10 năm tới, năng lực cung cấp điện của T&T Group (LNG và năng lượng tái tạo) dự kiến sẽ đạt khoảng 10.000 – 11.000 MW, chiếm khoảng 8% tổng công suất lắp đặt các nguồn điện của hệ thống điện Việt Nam.
Cùng ngày 9/9, Tập đoàn T&T Group của Việt Nam và Smart Universal Logistics N.V (SUL) – tập đoàn hàng đầu Vương quốc Bỉ về phát triển năng lượng bền vững và hạ tầng môi trường cũng đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển các nhà máy khử mặn bằng năng lượng gió để sản xuất nước ngọt cho nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam. Theo đó, T&T Group và SUL sẽ phối hợp với Viện Quy hoạch và dự báo nông nghiệp quốc gia (Bộ NN-PTNT) xây dựng một hệ thống thí điểm khử mặn nước sông bằng năng lượng gió có tên gọi “WATER-BY-WIND” (WBW) tại tỉnh Ninh Thuận. Sau thử nghiệm thành công, hai bên sẽ tiến hành khảo sát về khả năng thiết lập một mạng lưới các hệ thống WBW tại nhiều tỉnh thành của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự xâm nhập mặn và ngập úng; đồng thời hướng đến mục tiêu xây dựng một nhà máy sản xuất hệ thống WBW tại Việt Nam để giảm chi phí sản xuất và chủ động về công nghệ.
Công nghệ khử mặn được sử dụng trong dự án dùng gió làm ra nước này là công nghệ tiên tiến được vận hành nhờ năng lượng tái tạo như gió và mặt trời, vận dụng lợi thế tự nhiên, thân thiện với môi trường. Từ đó, sẽ tạo ra giải pháp hiệu quả, thích ứng với tình trạng hạn, mặn, giúp sử dụng tài nguyên nước tốt hơn. Tại châu u, SUL có nhiều kinh nghiệm trong việc phát triển các trang trại gió và phát triển khử mặn nước. SUL đã phát minh và được cấp bằng sáng chế cho mô hình của một hệ thống khử mặn nước sông bằng năng lượng gió.
Khánh Chi