Tận dụng sinh khối nhằm giảm thiểu hoạt động đốt ngoài trời

Theo Monre|23/11/2017 22:32
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Sáng ngày 23/11, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội thảo “Các giải pháp tận dụng sinh khối nhằm giảm thiểu hoạt động đốt ngoài trời” nhằm mục đích nâng cao hiểu biết và đề xuất giải pháp thay thế cho hoạt động đốt rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp.

Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Truyền thông môi trường phát biểu khai mạc Hội thảo

Hội thảo đã thu hút sự tham dự của các nhà quản lý, nhà khoa học đến từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Hội Nông dân Việt Nam; các Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh đồng bằng Sông Hồng như Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Bắc Ninh, Ninh Bình, Hà Nội; Hội phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn thanh niên từ các huyện nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội; hợp tác xã nông nghiệp, hội nông dân một số tỉnh và các tổ chức NGOs.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Truyền thông môi trường cho biết, việc đốt rơm rạ và các phụ phẩm nông nghiệp hiện nay đang là một trong những vấn đề lớn mà Hà Nội và các tỉnh đồng bằng sông Hồng phải đối mặt. Hành động đốt ngoài trời này không những gây ra những hậu quả có thể thấy trước mắt như ô nhiễm không khí và khói, gia tăng nhiệt độ cục bộ, mà còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng về lâu dài do nguy cơ phát sinh các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy, tồn tại bền vững trong môi trường như chất dioxin/furan và các chất POP (các chất hữu cơ ô nhiễm khó phân hủy) mới.

Với thông điệp “Giảm thiểu đốt rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp, thực hành BAT/BEP để bảo vệ môi trường và sức khỏe”, Hội thảo nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức về nguy cơ do các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy phát sinh không chủ định (U-POP), khí nhà kính và các chất ô nhiễm khác sinh ra do đốt ngoài trời, tập trung vào các nguy cơ do đốt rác sinh khối; và đề xuất giải pháp giảm thiểu hoạt động đốt ngoài trời cũng như hướng dẫn thực hiện BAT/BEP trong xử lý chất thải sinh khối, đặc biệt là rơm rạ và các phụ phẩm nông nghiệp khác dễ phân hủy sinh học.

Toàn cảnh Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được cập nhật các thông tin và kiến thức liên quan đến Công ước Stockholm, tác hại của các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy hình thành không chủ định (U-POP), đặc biệt là Dioxin/Furan tới môi trường và sức khỏe; các đặc điểm của rác sinh khối và ảnh hưởng của đốt sinh khối tới môi trường và sức khỏe; một số giải pháp tận dụng sinh khối – các công nghệ và mô hình khả thi hiện nay; xử lý rác thải hữu cơ nông thôn bằng chế phẩm sinh học…

Hội thảo cũng đã đề xuất các giải pháp với quan điểm coi rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp là tài nguyên, với mong muốn tận dụng tài nguyên được ban tặng, cùng lúc đó giảm thiểu hoạt động đốt ngoài trời, giảm phát sinh các chất POP, đặc biệt là U-POP, góp phần bảo vệ môi trường trong lành cho các thế hệ tương lai.

Hội thảo “Các giải pháp tận dụng sinh khối nhằm giảm thiểu hoạt động đốt ngoài trời” là một hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án “Trình diễn áp dụng phương pháp kỹ thuật tốt nhất hiện có (BAT) và kinh nghiệm môi trường tốt nhất (BEP) trong hoạt động đốt ngoài trời nhằm thực hiện Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP)”, được tài trợ bởi Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) ủy thác thông qua Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) với sự tham gia của 05 quốc gia, gồm Việt Nam, Campuchia, Lào, Mông Cổ và Philippin.

Dự án khuyến khích, hỗ trợ áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, kinh nghiệm bảo vệ môi trường tốt nhất hiện có để giảm thiểu và loại trừ phát thải các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy hình thành không chủ định (U-POP), là một trong những đề án ưu tiên thuộc Kế hoạch quốc gia thực hiện Công ước Stockholm của Việt Nam.

Theo Monre

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Tận dụng sinh khối nhằm giảm thiểu hoạt động đốt ngoài trời
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.