Tăng cường bảo đảm an toàn công trình thủy lợi và phòng, chống ngập lụt cho cây trồng

Thanh Thanh|09/08/2024 08:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Cục Thủy lợi vừa có văn bản số 1188/TL-ATĐ đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các địa phương thực hiện các phương án bảo đảm an toàn cho công trình thủy lợi và phòng, chống ngập, lụt, úng cho cây trồng.

Cụ thể, Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các địa phương theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng, thủy văn, nguồn nước để thực hiện phương án bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, phòng, chống ngập lụt, úng cho sản xuất nông nghiệp, đồng thời tổ chức khoanh vùng, xác định cụ thể các diện tích cây trồng có nguy cơ ngập, úng; tổ chức sản xuất phù hợp với tình hình nguồn nước, bảo đảm hạn chế thiệt hại do mưa, lũ gây ra; xác định công trình trọng điểm có nguy cơ mất an toàn để chuẩn bị cụ thể phương án bảo đảm an toàn công trình; đặc biệt quan tâm an toàn các hồ thủy lợi đang thi công, hồ thủy lợi xung yếu; đối với hồ thủy lợi xung yếu, không bảo đảm an toàn cần xem xét không tích nước.

cuc-thuy-loi.jpg
Cục Thủy lợi vừa có văn bản số 1188/TL-ATĐ đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các địa phương thực hiện các phương án bảo đảm an toàn cho công trình thủy lợi và phòng, chống ngập, lụt, úng cho cây trồng

Cùng với đó, thường xuyên tranh thủ vận hành công trình thủy lợi hạ thấp mực nước trong hệ thống kênh mương, ao, hồ, vùng trũng để gia tăng khả năng trữ nước, giảm nguy cơ ngập lụt, úng trên ruộng; vận hành tối đa công trình thủy lợi khi xảy ra mưa lớn để tiêu úng.

Thực hiện vận hành các hồ chứa nước theo quy trình vận hành được phê duyệt; với các hồ chứa có cửa van xả lũ, thực hiện điều chỉnh mực nước hồ để chủ động đón lũ, bảo đảm tuyệt đối an toàn công trình và không xả lũ bất thường gây mất an toàn cho vùng hạ du; nghiêm túc việc cảnh báo sớm cho người dân vùng hạ du trước khi hồ chứa xả lũ và khi có nguy cơ xảy ra sự cố.

Bên cạnh đó, cần tổ chức trực ban 24/24 giờ trong thời gian có mưa, lũ, bão; bố trí nhân lực thường trực tại công trình, thường xuyên kiểm tra an toàn công trình, kịp thời phát hiện, xử lý tình huống bất thường theo phương châm “bốn tại chỗ” để bảo đảm an toàn tính mạng, giảm thiểu thiệt hại về tài sản của nhân dân, nhà nước.

Theo Cục Thủy lợi, từ đầu mùa mưa đến nay, mưa lớn đã xảy ra ở nhiều vùng trên cả nước, làm tăng nguy cơ mất an toàn công trình thủy lợi và gây ngập lụt, úng ở nhiều địa phương khu vực Đồng bằng sông Hồng, trung du và miền núi phía bắc.

Qua nhận định của Trung tâm dự báo Khí tượng-Thủy văn Quốc gia, hiện tượng La Nina sẽ tác động trực tiếp đến nước ta từ tháng 8 năm nay, nguy cơ xảy ra bão mạnh, mưa lớn dẫn đến ngập lụt, úng, mất an toàn công trình thủy lợi.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Tăng cường bảo đảm an toàn công trình thủy lợi và phòng, chống ngập lụt cho cây trồng
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.