Cụ thể, Bộ Công Thương chỉ đạo công tác điều phối, cung ứng nguồn hàng, nhất là vật tư, hàng hóa phục vụ khắc phục thiên tai và hàng hóa thiết yếu khác, không để khan hiếm hàng, lợi dụng thiên tai tăng giá.
Rà soát quy hoạch, kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng hồ đập thủy điện, đặc biệt là thủy điện nhỏ; chỉ đạo các chủ hồ chứa thủy điện thực hiện nghiêm quy định tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước,…
Bộ Xây dựng nghiên cứu, hướng dẫn các mô hình nhà ở an toàn cho người dân vùng thường xuyên bị bão, lũ; tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh, bão, lụt khu vực miền Trung.
Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo để thay thế Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 15/4/2008 của Chính phủ.
Rà soát, đề xuất điều chỉnh đơn giản hóa quy trình thủ tục hỗ trợ khẩn cấp từ nguồn dự trữ quốc gia nhằm bảo đảm tính kịp thời, đáp ứng yêu cầu khẩn cấp khi thiên tai. Ưu tiên bố trí các nguồn lực từ ngân sách cho khắc phục hậu quả thiên tai.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư ưu tiên bố trí kinh phí ngay trong những năm đầu của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 cho các tỉnh bị thiệt hại nặng để khắc phục hậu quả thiên tai; đồng thời huy động các nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài để bổ sung nguồn lực hỗ trợ khắc phục hậu quả, tái thiết sau bão lũ.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng triển khai các biện pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục hậu quả bão lũ, cơ cấu lại nợ cho các hộ bị thiệt hại, tiếp tục cho vay vốn để tái sản xuất.
Đối với các địa phương, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp cụ thể để khắc phục hậu quả bão, lũ; ưu tiên bố trí nguồn lực của địa phương, các nguồn hỗ trợ, cứu trợ khác để hỗ trợ ổn định đời sống cho người dân và khắc phục hậu quả bão lũ;
Cân đối, cung cấp đủ các loại giống phù hợp hỗ trợ người dân phục hồi sản xuất nông nghiệp, đảm bảo kịp thời mùa vụ.
Tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu có phương án bảo đảm an toàn cho hồ Kẻ Gỗ, tăng cường khả năng thoát lũ, hạn chế ngập lụt vùng hạ du hồ Kẻ Gỗ;
Tỉnh Quảng Bình nghiên cứu phương án bảo đảm an toàn dân cư vùng ngập sâu tại các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch;
Tỉnh Quảng Trị khẩn trương rà soát, tái định cư cho các hộ bị sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở tại các huyện Hướng Hóa, Đăk rông, nghiên cứu phương án bảo đảm an toàn dân cư vùng ngập sâu Hải Lăng, khôi phục hạ tầng giao thông, thủy lợi bị hư hỏng;
Tỉnh Thừa Thiên Huế tập trung khắc phục các khu vực sạt lở bờ sông, bờ biển xung yếu để bảo đảm an toàn cho người dân;
Tỉnh Quảng Nam tập trung tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng do sạt lở tại các xã Trà Leng, Trà Vân, huyện Nam Trà My và xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, khôi phục hạ tầng giao thông vào các khu vực bị sạt lở;
Tỉnh Quảng Ngãi tập trung tái định cư cho các hộ dân bị sạt lở, sập đổ nhà tại huyện Sơn Tây và khắc phục cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi.
Mai Anh