Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ về dự án luật Hóa chất (sửa đổi) và đã có 56 lượt ý kiến phát biểu. Về cơ bản, các ý kiến phát biểu đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Luật để thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, khắc phục bất cập của luật hiện hành; Phát triển công nghiệp hóa chất, từng bước đáp ứng nhu cầu tư liệu sản xuất cơ bản của nền kinh tế. Đối với từng nhóm chính sách và các điều khoản cụ thể trong dự án luật, các ĐBQH cũng đã quan tâm đóng góp nhiều ý kiến.
Kiểm soát chặt chẽ việc mua, bán và vận chuyển hóa chất
Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), tại Hội trường, đại biểu Trần Thị Thanh Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang cho biết, thực tế thời gian qua cho thấy, việc tồn trữ và vận chuyển hóa chất là vấn đề rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn môi trường sống và sức khỏe con người nên cần tăng cường quản lý chặt chẽ hơn trong thời gian tới.
Qua nghiên cứu Điều 19 và Điều 20 của dự thảo Luật, đại biểu Trần Thị Thanh Hương thấy rằng, một số nội dung quy định đối với việc tồn trữ hóa chất vẫn chưa rõ. Những quy định liên quan đến việc vận chuyển hóa chất, trong đó có hóa chất nguy hiểm, hóa chất cấm vẫn có nội dung còn chung chung, chưa đảm bảo chặt chẽ và an toàn trong quá trình vận chuyển. Chính vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể hơn, nhất là liên quan đến giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ tồn trữ hóa chất trên cơ sở làm rõ giấy chứng nhận được áp dụng đối với mọi tổ chức, cá nhân tồn trữ hóa chất hay là chỉ áp dụng đối với tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ tồn trữ hóa chất cần kiểm soát đặc biệt. Ngoài ra, cần bổ sung đầy đủ hơn quy định về điều kiện được vận chuyển hóa chất, cấp giấy phép vận chuyển hóa chất, trách nhiệm khi xảy ra sự cố về hóa chất gây ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe con người, nhất là trong quá trình vận chuyển bằng phương tiện tàu, thuyền trên sông, trên biển.
Đóng góp ý kiến về quản lý hóa chất thông qua phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai nêu quan điểm: Theo khoản 2 và khoản 3 Điều 33 của dự thảo Luật, việc mua bán hóa chất cần kiểm soát đặc biệt phải được xác nhận bởi bên mua và bên bán thông qua Phiếu kiểm soát, trong đó có quy định nội dung phải kê khai bao gồm: tên hóa chất, số lượng hóa chất, mục đích sử dụng; tên tổ chức, mã số doanh nghiệp, địa chỉ, đại diện bên mua và bên bán; việc lập và xác nhận Phiếu kiểm soát được thực hiện qua Cơ sở dữ liệu hóa chất trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ thời điểm giao hàng.
Tuy nhiên, khoản 2 Điều 37 của dự thảo Luật tiếp tục yêu cầu: “Tổ chức, cá nhân sử dụng hóa chất cần kiểm soát đặc biệt có nghĩa vụ công bố loại hóa chất và mục đích sử dụng hóa chất trên Cơ sở dữ liệu hóa chất trước khi sử dụng lần đầu hoặc khi thay đổi mục đích sử dụng”.
Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, làm rõ giá trị pháp lý, mối quan hệ giữa Phiếu kiểm soát mua, bán hoá chất cần kiểm soát đặc biệt đã được lập, xác nhận với việc công bố trên Cơ sở dữ liệu hoá chất về loại hoá chất và mục đích sử dụng hoá chất trước khi sử dụng lần đầu hoặc khi thay đổi mục đích sử dụng. Trên cơ sở đó, đánh giá tác động chính sách, nghiên cứu cân nhắc loại bỏ bớt nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sử dụng hóa chất trong các quy định nêu trên để tránh chồng chéo, gia tăng nghĩa vụ tuân thủ pháp luật cho cá nhân, tổ chức. Ví dụ như thủ tục lập, xác nhận phiếu, công bố thông tin.
Áp dụng công nghệ số kiểm soát toàn bộ đường đi của hóa chất
Làm rõ về những nội dung của các ĐBQH nêu về quản lý hoạt động hóa chất, nhất là hóa chất độc hại cần kiểm soát đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, để tăng cường quản lý hóa chất độc hại, kiểm soát rủi ro mất an toàn, an ninh từ hóa chất, cơ quan soạn thảo đã đề xuất sửa đổi, bổ sung vào dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) một số quy định như: Sửa đổi, bổ sung quy định hóa chất trong toàn bộ vòng đời từ khi hóa chất được tạo ra hoặc đưa vào lãnh thổ Việt Nam đến khi lưu thông, sử dụng và xử lý. Theo đó, dự thảo Luật đã bổ sung các quy định quản lý hoạt động nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hóa chất với mức độ chặt chẽ khác nhau nhằm bảo đảm và phù hợp với từng danh mục hóa chất; an toàn trong sản xuất, sử dụng hóa chất, bảo đảm an toàn cho môi trường.
Trong dự án Luật cũng bổ sung biện pháp tiền kiểm đối với hoạt động nhập khẩu hóa chất cần kiểm soát đặc biệt thay vì việc doanh nghiệp chỉ cần thực hiện khai báo hóa chất tự động như hiện nay. Đồng thời, đề xuất tăng chế tài xử phạt các vi phạm để nâng cao mức rắn đe. Bên cạnh đó, bổ sung quy định về áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong việc kiểm soát hoạt động mua bán hóa chất cần kiểm soát đặc biệt nhằm giám sát toàn bộ đường đi của hóa chất từ nhà sản xuất, nhập khẩu đến người sử dụng cuối cùng. Ngoài ra, trong dự án Luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định tăng cường phân cấp quản lý cho địa phương, các Bộ, ngành trong việc quản lý đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ tồn trữ, vận chuyển hóa chất cần kiểm soát đặc biệt nhằm tăng cường bảo đảm công tác an toàn, an ninh, tránh thất thoát hóa chất hoặc sử dụng không đúng mục đích.
Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh: Qua thảo luận, các ĐBQH nhất trí về sự cần thiết phải sửa đổi Luật Hóa chất để khắc phục những bất cập của luật hiện hành, thể chế hóa chủ trương của Đảng, phát triển công nghiệp hóa chất đáp ứng nhu cầu tư liệu sản xuất cơ bản của nền kinh tế.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, những ý kiến của các ĐBQH đều rất tâm huyết, trách nhiệm cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để hoàn thiện dự án Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu các ý kiến phát biểu tại hội trường và các ý kiến thảo luận tại Tổ để tiếp thu, hoàn chỉnh dự án Luật trình Quốc hội xem xét, quyết định.