Tài nguyên và phát triển

Tầng ozone của Trái đất đang phục hồi khả quan

Minh Phúc 22/09/2024 19:30

Tầng ozone của thế giới đang trong "quá trình phục hồi lâu dài" bất chấp một vụ phun trào núi lửa hủy diệt ở Nam Thái Bình Dương.

Tổ chức Khí tượng Thế giới cho biết ngày 17/9 sau những nỗ lực loại bỏ dần các hóa chất làm suy giảm tầng ozone.

Theo xu hướng hiện tại, tầng ozone đang trên đà phục hồi về mức năm 1980 vào khoảng năm 2066 ở Nam Cực, năm 2045 ở Bắc Cực và năm 2040 đối với phần còn lại của thế giới - theo Tổ chức Khí tượng Thế giới.

o-zon.jpg
Sự phun trào của một ngọn núi lửa dưới nước ngoài khơi Tonga đầu năm 2022 đã làm suy giảm một phần tầng ozone tại Nam Cực. (Ảnh: Reuters)

Mặc dù vụ phun trào núi lửa gần Tonga vào đầu năm 2022 đã dẫn đến tình trạng suy giảm nhanh chóng của tầng ozone ở Nam Cực trong một thời gian ngắn vào năm 2023 do lượng hơi nước trong khí quyển cao hơn, nhưng tổn thất chung là hạn chế - Bản tin ozone hàng năm của Tổ chức Khí tượng Thế giới cho thấy.

Tầng ozone bảo vệ Trái đất khỏi bức xạ cực tím của mặt trời - có liên quan đến ung thư da và các rủi ro sức khỏe khác.

Nghị định thư Montreal có hiệu lực từ năm 1989 đã thống nhất loại bỏ dần các chất chlorofluorocarbon và những chất làm suy giảm tầng ozone khác. Và thành công của Nghị định thư Montreal "nổi bật như một biểu tượng mạnh mẽ của hy vọng" vào thời điểm hợp tác đa phương đang gặp căng thẳng - Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết trong một tuyên bố.

Các chất chlorofluorocarbon đã phần lớn được thay thế bằng hydrofluorocarbon (HFC) - loại khí không gây suy giảm tầng ozone, nhưng lại là loại khí nhà kính làm nóng khí hậu mạnh.

Các quốc gia hiện đang thực hiện bản sửa đổi Kigali năm 2016 đối với Nghị định thư Montreal, theo đó sẽ giảm dần sản xuất các chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát (hydrofluorocarbon) và có thể tránh được tình trạng nóng lên khoảng 0,5°C vào năm 2100.

Trung Quốc vẫn là nước sản xuất HFC lớn nhất thế giới, với công suất hiện tại tương đương với gần 2 tỷ tấn carbon dioxide, khoảng 25% số này được xuất khẩu.

Bộ Môi trường Trung Quốc hôm 16/9 cho biết nước này sẽ sớm công bố một kế hoạch để kiểm soát tốt hơn sản xuất HFC. Là một quốc gia đang phát triển, Trung Quốc có nghĩa vụ phải cắt giảm 85% lượng tiêu thụ HFC từ năm 2013 đến năm 2045.

Trung Quốc đang cắt giảm hạn ngạch sản xuất và trấn áp sản xuất bất hợp pháp, nhưng năm nay họ đã cảnh báo rằng họ vẫn "phải đối mặt với những thách thức to lớn" trong việc giảm dần HFC. HFC được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau, một số ngành trong số này đang phải vật lộn để tìm ra sản phẩm thay thế.

Bài liên quan
  • Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu giảm 35% chất phá hủy tầng ozone
    Việt Nam đang triển khai các hoạt động để loại trừ hoàn toàn các chất HCFC (nhóm chất gây suy giảm tầng ozone) vào năm 2040, đóng góp cho mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính song vẫn bảo đảm được sự phát triển của các ngành kinh tế, các lĩnh vực sản xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Tầng ozone của Trái đất đang phục hồi khả quan