Tập trung xử lý tài sản công dôi dư sau sáp nhập

Sơn Hà|10/07/2024 10:08
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Đối với tài sản công dôi dư thời gian qua, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa yêu cầu đưa vào sử dụng, tuyệt đối không để bỏ trống, không sử dụng hoặc sử dụng sai mục đích.

Chiều 9/7, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, các đại biểu quan tâm chất vấn Giám đốc Sở Tài chính về vấn đề quản lý, sử dụng, phát huy hiệu quả tài sản công dôi dư sau sáp nhập.

Các đại biểu đặt vấn đề, giai đoạn 2017-2021, tỉnh Thanh Hóa sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, thôn, từ đó giảm 1.578 thôn, tổ dân phố; giảm 76 đơn vị hành chính cấp xã và 303 đơn vị sự nghiệp công lập. Do đó, số lượng tài sản dôi dư sau sáp nhập là rất lớn. Bên cạnh đó, nhiều trang thiết bị của các cơ sở y tế phục vụ công tác phòng, chống COVID-19 đến nay không còn sử dụng; thiết bị của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp dôi dư so với nhu cầu.

cv2.jpg
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng phát biểu tại phiên chất vấn.

Trả lời chất vấn liên quan đến việc quản lý, sử dụng, phát huy hiệu quả tài sản công dôi dư sau sáp nhập đơn vị hành chính, Giám đốc Sở Tài chính Thanh Hóa Nguyễn Văn Tứ thừa nhận có việc chậm trễ trong tiến độ thực hiện việc sắp xếp tài sản công dôi dư sau sáp nhập, trách nhiệm này thuộc về Sở Tài chính và cá nhân ông.

Lý giải nguyên nhân, ông Nguyễn Văn Tứ cho biết, giai đoạn 2019-2021 khi COVID-19 bùng phát, các địa phương thực hiện nhiệm vụ trọng tâm chống dịch nên sự phối hợp giữa Sở Tài chính, các sở, ngành, liên quan và các địa phương để xử lý tài sản dôi dư còn chậm, chưa kịp thời… Cùng với đó, trong quá trình bố trí, sắp xếp, quản lý tài sản dôi dư, Sở Tài chính và các địa phương gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về các quy định pháp luật liên quan đến các Nghị định của Chính phủ về xử lý tài sản dôi dư. Ông Nguyễn Văn Tứ cũng cho biết, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều văn bản gửi Chính phủ, Bộ Tài Chính đề nghị sửa đổi các Nghị định nêu trên để các địa phương giải quyết dứt điểm "bài toán" xử lý tài sản dôi dư sau sáp nhập.

Theo ông Nguyễn Văn Tứ, Thanh Hóa là địa phương có địa hình rộng, số đơn vị sáp nhập dôi dư lớn nhất cả nước; trong quá trình sắp xếp liên quan đến kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch sử dụng đất cần có sự phối hợp của nhiều sở, ngành, địa phương. Trong khi đó, bộ phận trực tiếp xử lý, tham mưu xử lý tài sản dôi dư ở các địa phương chủ yếu là kiêm nhiệm nên dẫn đến sự chậm trễ trong quá trình thực hiện.

cv.jpg
Giám đốc Sở Tài chính Thanh Hóa Nguyễn Văn Tứ trả lời tại phiên chất vấn.

Giám đốc Sở Tài chính Thanh Hóa cam kết thời gian tới, sau khi Chính phủ, Bộ Tài chính tiếp thu các văn bản đề xuất của tỉnh trong sửa đổi các Nghị định về xử lý tài sản dôi dư sau sáp nhập, Sở Tài chính sẽ tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan, đơn vị có tài sản dôi dư và các địa phương để thực hiện dứt điểm sắp xếp tài sản dôi dư sau sáp nhập.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng đề nghị UBND tỉnh báo cáo, đề xuất cơ quan Trung ương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện xử lý tài sản công. UBND tỉnh khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về quy định, quy trình đề xuất, thực hiện việc sắp xếp, xử lý các tài sản công trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các cơ sở nhà đất dôi dư sau sáp nhập; quy định về đấu giá đối với các cơ sở nhà đất là nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố mà đất làm nhà văn hóa và tiền xây dựng từ nguồn ngân sách kết hợp nguồn đóng góp của nhân dân; quy định việc tiền sử dụng được từ đấu giá, đề xuất cơ chế hỗ trợ lại khu dân cư sau khi thực hiện tổ chức đấu giá tài sản.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng quy định, quy trình, trình tự thực hiện xử lý tài sản công sau sáp nhập; kịp thời tháo gỡ vướng mắc khi tổ chức thực hiện, báo cáo cấp trên nếu vượt thẩm quyền. UBND các địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công sau sáp nhập các cơ quan, đơn vị hành chính trên địa bàn; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, kế hoạch của UBND tỉnh và các văn bản hướng dẫn đôn đốc của tỉnh về sắp xếp lại, xử lý tài sản công. Các địa phương quản lý, sử dụng tài sản công hợp lý, hiệu quả, tránh gây lãng phí, thất thoát…

cv1.jpg
Ông Nguyễn Văn Thi, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại phiên chất vấn.

Cùng với các nội dung chất vấn Giám đốc Sở Tài chính Thanh Hóa, chiều 9/7, các đại biểu cũng dành thời gian chất vấn Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ về vấn đề hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ được triển khai ở nhiều lĩnh vực, nhiều ngành nghề khác nhau. Qua đó, nhiều đề tài, đề án, dự án khoa học và công nghệ đã được ứng dụng, đem lại hiệu quả tích cực và phát huy tốt vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc đề xuất, tuyển chọn và giao cho các tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ còn nhiều bất cập, vẫn còn không ít đề tài, đề án, dự án khoa học, công nghệ sau khi đánh giá, nghiệm thu không được áp dụng vào thực tiễn, hoặc nếu có được áp dụng thì hiệu quả không cao.

Tại buổi chất vấn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thanh Hóa đã trả lời về thực trạng, nguyên nhân và giải pháp để nâng cao hiệu quả, tính thiết thực của các đề tài, đề án, dự án khoa học và công nghệ sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2023…/.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Tập trung xử lý tài sản công dôi dư sau sáp nhập
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.