Tết Trung thu – Nét đẹp văn hóa truyền thống của Việt Nam

Khánh Linh|29/09/2023 10:31
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Năm nào cũng vậy, mỗi độ thu về, trẻ con lại mong chờ đến Tết Trung thu để được trông trăng, phá cỗ. Và không chỉ trẻ con háo hức mà người lớn cũng hòa chung niềm vui với con trẻ bởi đây là dịp sum họp, quây quần của gia đình.

Dấu ấn của nền văn hóa lúa nước

Cũng như nhiều phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội khác của dân tộc ta, Tết Trung thu thể hiện dấu ấn đặc trưng của nền văn hóa nông nghiệp lúa nước.

Đầu tiên, theo văn hoá và lễ hội học, Tết Trung thu ở Việt Nam được xếp loại vào “hội mùa”, nghĩa là một sinh hoạt văn hoá theo mùa, một lễ hội nông nghiệp, một nghi thức nông nghiệp: “Rằm tháng tám âm lịch, ngày trăng sáng nhất trong năm. Nguyên là hội nông nghiệp mùa thu”. “Xuân thu nhị kỳ”, trong nông lịch cổ truyền, là hai thời điểm “nông nhàn”. Tháng tám là lúc người nông dân có dịp nghỉ ngơi. Lúc này, lúa mới vừa cấy xong, hoa màu phụ cũng đã trồng, mà mùa gặt chưa tới. Nhân dịp này, các làng xã tổ chức hội lễ cho dân chúng vui chơi, cho người người đoàn tụ, cho lứa đôi gặp gỡ... Và quan trọng hơn, lễ hội cũng là cách bày tỏ lòng thành kính và biết ơn đối với các thần linh che chở cho cuộc sống của dân làng. Đó cũng là lúc họ hiểu rõ hơn về các lễ nghi, thuần phong mỹ tục của làng mình, quê hương mình để không xao lãng, để làm gương cho con cháu noi theo.

trung-thu.jpg
Tết Trung thu thể hiện dấu ấn đặc trưng của nền văn hóa nông nghiệp lúa nước

Đồng thời, với người dân sống bằng nghề nông trồng lúa nước, Tết Trung thu còn là dịp để người ta ngắm trăng tiên đoán mùa màng và vận mệnh quốc gia. Tục ngữ người Việt có câu: “Muốn ăn lúa tháng năm/ Trông trăng rằm tháng tám; Trăng trong được lúa mùa/ Trăng đục mờ được lúa chiêm.” Người dân trồng lúa nước xưa cũng quan niệm nếu trăng thu màu vàng thì năm đó sẽ trúng mùa tằm tơ, nếu trăng thu màu xanh lục thì năm đó sẽ có thiên tai, và nếu trăng thu màu cam trong sáng thì đất nước sẽ thịnh trị…

Thứ nữa, Tết Trung thu thể hiện sự gắn bó của con người với thiên nhiên. Là cư dân của nền nông nghiệp lúa nước, cha ông ta từ ngàn xưa đã coi thiên nhiên như người bạn đồng hành gắn bó với mình, quen ứng xử hài hoà thân ái với thiên nhiên. Sùng bái tự nhiên trở thành một thứ tín ngưỡng linh thiêng của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, trăng - đồng hành với nhịp hải hà, nhịp lên xuống của con nước, đã thành người bạn thân quen không thể thiếu của nhà nông.

Hình ảnh vầng trăng soi sáng những đêm tát nước đầu đình, những ruộng đồng bao la mùa gặt… đã đi vào trong văn thơ dân gian như biểu tượng của sự hoà hợp, gắn bó với thiên nhiên của người Việt.  Không phải ngẫu nhiên mà trong ngày Tết này, trong mâm cỗ mà cha ông ta bày ra để làm cỗ trông trăng, bao giờ cũng có các loại bánh dẻo, bánh nướng, bánh đúc... hình tròn - một sự mô phỏng hình ảnh mặt trăng hiền hòa, đầy đặn.

Trong đêm rằm tháng tám, thời khắc trăng tròn, sáng và đẹp nhất trong năm, người ta luôn dành những phút giây lắng đọng để ngồi cùng nhau bên mâm cỗ thanh tao, thưởng trà, thưởng rượu và ngắm vầng trăng sáng. Vì thế Tết Trung thu còn có tên gọi là “Tết Trông trăng”. Bên cạnh đó, Tết Trung thu cũng là phong tục thể hiện tính cộng đồng của người Việt. Để trồng trọt cấy cày, sinh tồn và phát triển, người dân nông nghiệp lúa nước ý thức rõ năng lực, sức mạnh của cộng đồng và sự cần thiết của tính cố kết, tình cảm cộng đồng.

Sự đoàn kết đã thành một giá trị tinh thần cao đẹp làm nên bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam. Truyền thống đó ăn sâu vào tâm trí của mỗi cá nhân và thể hiện hữu hình qua các sinh hoạt văn hóa của cộng đồng. Cũng như nhiều lễ hội, lễ tết của làng quê Việt Nam, Tết Trung thu không phải là hoạt động riêng lẻ của một vài nhà, một nhóm người mà của cả cộng đồng, khối, xóm… Tuy không quy mô và trọng đại như Tết Nguyên đán, nhưng đó vẫn là ngày lễ thiêng liêng, là dịp để đông đảo người thân quây quần đoàn tụ.

Trung thu là ngày hội lớn của mọi nhà, mọi người, mọi lứa tuổi, là nhịp cầu “nối vòng tay lớn” để đưa con người xích lại gần nhau hơn. Ai cũng tìm thấy cho mình những niềm vui thuần hậu trong dịp đất trời rộng mở, lòng người giao hoà. Tuy ở những vùng trời khác nhau, nhưng khi cùng ngẩng lên bầu trời ngắm một vầng trăng sáng, dường như tâm hồn con người cũng nhất thời đồng điệu. Đến với Tết Trung thu, ta cảm nhận được “nhu cầu thông cảm”, “nhu cầu cộng cảm”, một biểu hiện đẹp của “tình cảm cộng đồng”.

Trung thu ngày nay

Trải qua thời gian, Tết Trung thu cổ truyền cũng có nhiều thay đổi cho phù hợp với cuộc sống của mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn lịch sử. Từ những cái Tết Trung thu tinh tế, cầu kỳ, công phu cổ xưa, cho đến Tết Trung thu thiếu thốn thời bao cấp, phải tự làm hầu hết từ bánh Trung thu cho đến đồ chơi và ngày nay là cuộc sống hiện đại, hội nhập, với quá nhiều tiện nghi, những cách thức đón và chơi, ăn Tết Trung thu cũng đang dần thay đổi.

Ngày nay, đời sống đã nhiều đổi thay kéo theo đó nét đẹp văn hóa truyền thống trong Tết Trung thu cũng khác xưa khá nhiều. Mâm cỗ Tết Trung thu ngày nay có nhiều của ngon vật lạ và đắt giá hơn xưa. Múa lân, múa sư tử, múa rồng mỗi ngày mỗi đẹp và hoành tráng thêm. Đèn lồng, đèn ông sao, đèn kéo quân… nhiều kiểu dáng mới lạ, hiện đại được thắp sáng bằng điện, bằng pin, lung linh rực rỡ hơn thắp bằng đèn cầy, đom đóm xa xưa.

Thế nhưng để tìm lại một không gian và không khí đón trăng giữa thiên nhiên như xưa không dễ. Đặc biệt ở thành phố, với những dãy nhà cao tầng và những sắc màu của các loại đèn màu, đèn chiếu sáng… đã khiến cho ánh trăng rằm bị chìm khuất, thậm chí bị lãng quên. Trẻ em ngày nay cũng có nhiều thú chơi hấp dẫn hơn với những chiếc đèn lồng ông sao, đèn con cá, đèn kéo quân đẹp đẽ, đủ sắc màu. Vậy nhưng, chúng cũng không được chơi trò rước đèn do đất chật, người đông.

Sự tích “cây đa chú cuội” cũng dần bị quên lãng do ít được người lớn kể vào những đêm trăng. Làm thế nào để giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa của Tết Trung thu trong xã hội hiện đại là vấn đề cần được quan tâm. Thực tế cho thấy, ở đâu chính quyền, các ngành, đoàn thể quan tâm thì nơi đó cái Tết Trung thu sẽ thật sự ý nghĩa.

Tỉnh Tuyên Quang là một ví dụ điển hình về việc tổ chức, giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của Tết Trung thu. Tại đây, việc tổ chức trung thu được chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Trước cả tháng, từng khu phố đã lên ý tưởng về mẫu mã chiếc đèn lồng. Cả khối phố sẽ cùng đóng góp tiền và sức để làm. Từ trẻ con đến người lớn đều háo hức tham gia, mỗi người một việc. Đến ngày rằm tháng tám âm lịch, mỗi phường sẽ lựa chọn những chiếc đèn lồng đẹp nhất, độc đáo nhất tham gia diễu hành trong chương trình rước đèn của thành phố. Điều ý nghĩa nhất từ cái Tết Trung thu mọi người trong khối phố có dịp gần gũi, gắn bó với nhau hơn, trẻ em có dịp hiểu thêm về những nét đẹp văn hóa truyền thống.

trung-thu-1.jpg
Tỉnh Tuyên Quang là một ví dụ điển hình về việc tổ chức, giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của Tết Trung thu

Đặc biệt, Tết Trung thu ở Tuyên Quang là dịp hội ngộ của những người xa quê - họ sẽ tìm về, đắm mình với không khí Tết Trung thu, với quê hương, với bè bạn... Bên cạnh đó, mặc dù được tổ chức chưa nhiều, hoặc chưa thật quy củ, nhưng không ít trung tâm văn hóa, bảo tàng cũng đã xây dựng những chương trình riêng về Tết Trung thu để thu hút trẻ em tham gia.

Đơn cử như Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, hàng năm đều có những hoạt động giới thiệu về văn hóa truyền thống vào mỗi dịp Trung thu như: nghệ nhân dân gian trực tiếp hướng dẫn làm đồ chơi Trung thu, nặn tò he, nặn hoa quả bằng bột, làm cốm làng Vòng, làm bánh dẻo, tập cắt tỉa hoa quả, học bày mâm cỗ
trung thu, hoạt cảnh vui Tết Trung thu và kể sự tích về Trung thu, chơi các trò chơi dân gian... Có thể nói, đây chính là những hướng đi giúp cho việc khôi phục một nét đẹp văn hóa truyền thống trong Tết Trung thu cần được nhân rộng.

Bởi thực tế, không chỉ thành phố mà ở nhiều vùng quê, nơi có không gian thì việc tổ chức Tết Trung thu chưa thực sự được quan tâm. Để có một cái Tết Trung thu thật sự ý nghĩa cho trẻ em không cần thiết phải có chiếc bánh đắt tiền, hay những món quà giá trị lớn… mà quan trọng nhất là tạo cho con trẻ cơ hội được gắn kết, được vui chơi và hiểu hơn về nét văn hóa truyền thống của cha ông.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tết Trung thu – Nét đẹp văn hóa truyền thống của Việt Nam