Thách thức của biến đổi khí hậu với sự tồn vong nhân loại

Minh Minh|09/12/2022 14:30

Biến đổi khí hậu có tác động lớn đến môi trường sống cũng như sinh kế của con người, do đó trở thành thách thức nghiêm trọng đối với sự tồn vong của nhân loại.

Biến đổi khí hậu là gì?

Biến đổi khí hậu là thuật ngữ được dùng để chỉ sự thay đổi của khí hậu do tác động chủ yếu của con người làm thay đổi các thành phần của khí quyển Trái Đất. Sự thay đổi này kết hợp với các yếu tố biến động tự nhiên của tự nhiên dẫn tới các biến đổi của khí hậu qua các thời kỳ. Nói một cách dễ hiểu, biến đổi khí hậu chính là sự thay đổi của hệ thống khí hậu từ sinh quyển, khí quyển, thủy quyền tới thạch quyển trong hiện tại và tương lai.

tac-dong-cua-bien-doi-khi-hau.jpg
Tác động của biến đổi khí hậu đến từ 2 nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu xuất phát từ 2 nhóm là nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, những tác động của con người vào môi trường tự nhiên chính là nguyên do gây nên biến đổi khí hậu. Theo đó, việc gia tăng khí CO2 do hoạt động sản xuất công nghiệp, phá rừng, sử dụng nguồn nước cũng như các loại khí độc hại khác là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên.

Bên cạnh đó, các yếu tố khách quan trong đó có sự thay đổi trong chính nội tại của tự nhiên bao gồm sự thay đổi trong hoạt động mặt trời, của quỹ đạo Trái Đất, sự dịch chuyển của các châu lục… cũng tác động không nhỏ gây nên tình trạng này.

Thách thức của biến đổi khí hậu đối với con người

Biến đổi khí hậu có tác động lớn đến môi trường sống cũng như sinh kế của con người, do đó trở thành thách thức nghiêm trọng đối với sự tồn vong của nhân loại. Các lĩnh vực, khu vực chính bị tác động của biến đổi khí hậu bao gồm: tài nguyên nước ngọt, hệ sinh thái, sản xuất lương thực và lâm nghiệp, vùng ven biển và vùng đất thấp, công nghiệp và khu cư dân, sức khỏe con người…

Những thay đổi trong điều kiện khí hậu và lượng khí carbon - dioxide tăng nhanh làm suy giảm nguồn tài nguyên nước ngọt, các khu vực bị ảnh hưởng bởi hạn hán kéo dài. Nhiều hệ sinh thái lớn được dự báo sẽ không thể chống chịu được các biến động khi nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng lên quá 3°C. Sản xuất nông nghiệp và lâm nghiệp sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng và suy giảm do thiếu nước ngọt và các điều kiện khí hậu thay đổi tác động đến cây trồng.

Nhiều khu vực ven biển và vùng đất thấp trên thế giới bị chìm dần khi nước biển dâng và sẽ biến mất trong tương lai không xa. Nhiều ngành công nghiệp, kết cấu hạ tầng, các khu dân cư sẽ bị tổn thương do tác động của biến đổi khí hậu, nhất là ở vùng ven biển, ven sông, những vùng dễ bị tác động bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan, các khu vực có nền kinh tế phụ thuộc vào điều kiện khí hậu, chẳng hạn như các ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản, ngành sử dụng nhiều nước ngọt, ngành du lịch... Sức khỏe con người cũng sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do các hiện tượng nắng nóng, lũ lụt và các dịch bệnh phát sinh. Tất cả các yếu tố trên sẽ dẫn đến thiệt hại trực tiếp về kinh tế, như mùa màng thất bát, giá cả thực phẩm và nhiên liệu tăng, lợi nhuận từ các ngành du lịch và công nghiệp giảm sút đáng kể. Chiến tranh, xung đột cũng có thể sẽ bắt nguồn từ các khó khăn này.

bdkh.jpg
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống nhiều người dân Việt Nam.

Đối với Việt Nam, theo Báo cáo “Biến đổi khí hậu ở Việt Nam: Tác động và thích ứng”, với kịch bản nhiệt độ tăng lên và nước biển dâng thêm 1m, Việt Nam sẽ có thể bị mất 5% diện tích đất liền tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Cũng theo nghiên cứu này, khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên 1,5ºC và 2ºC thì thiệt hại trực tiếp đối với GDP của Việt Nam sẽ tương ứng là 4,5% và 6,7%. Mực nước biển dâng cũng dẫn tới sự sụt giảm diện tích trồng lúa gạo, như mực nước biển dâng là 60cm có thể dẫn đến sự sụt giảm diện tích trồng lúa lên tới hơn 50% tại một số địa phương của Việt Nam, đe dọa an ninh lương thực của đất nước. Biến đổi khí hậu thực sự là một thách thức to lớn, nghiêm trọng đối với cộng đồng quốc tế nói chung và Việt Nam nói riêng.

74% dân số Việt Nam chịu tác động của biến đổi khí hậu

Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – NNPTNT), mực nước biển dâng đang đe dọa đến đời sống con người, sản xuất nông nghiệp và toàn bộ nền kinh tế.

Khi mực nước biển dâng, sẽ có nhiều vùng đất bị ngập nước hơn, ngập lụt xảy ra thường xuyên, đất bị xói mòn, hoặc sẽ không còn thích hợp cho nông nghiệp do xâm nhập mặn. Hiện nay ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền 15km trong mùa mưa và 50km vào mùa khô, gây thiệt hại về năng suất lúa lên đến 4 tấn/ha/năm. Tác động này sẽ trở nên tồi tệ hơn nữa khi khí hậu tiếp tục ấm lên, mực nước biển dâng cao và khiến nước mặn xâm nhập sâu hơn vào đất liền.

Tại hội thảo quốc tế "Tác động của Biến đổi khí hậu tới việc thụ hưởng quyền của các nhóm dễ bị tổn thương: Chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn tốt” do Bộ Ngoại giao và Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tổ chức (ngày 29.7), bà Pauline Tamesis - điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, cũng nhấn mạnh: Biến đổi khí hậu có thể gây thiệt hại tới 3,5% vào năm 2050. Điều đáng nói là, tính dễ bị tổn thương do khí hậu ảnh hưởng đến hơn 74% dân số Việt Nam.

Còn theo báo cáo mới của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC), trên toàn cầu, nhiệt độ và độ ẩm sẽ tạo ra những điều kiện vượt quá khả năng chịu đựng của con người nếu lượng khí thải không được cắt giảm, Việt Nam nằm trong số những nơi có thể bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Đa số các vùng tại Việt Nam đang có nhiệt độ bầu ướt là 26-29°C gây rủi ro ở mức trung bình, nhưng nếu không cắt giảm lượng khí thải nhanh chóng, hầu như toàn bộ Việt Nam sẽ chạm ngưỡng nhiệt độ bầu ướt nguy hiểm (30-33°C).

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thách thức của biến đổi khí hậu với sự tồn vong nhân loại