Thái Nguyên: Bảo vệ môi trường hướng tới sự phát triển bền vững

Minh Tuấn|20/02/2018 01:09
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường hướng tới sự phát triển bền vững là một trong những quyết sách mà nhiều địa phương đang thực hiện, trong đó có tỉnh Thái Nguyên. Nhận thức sâu sắc được tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường, những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành nhiều chủ trương, biện pháp chỉ đạo trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và đã đạt được những kết quả nhất định. Nhân dịp đầu Xuân Mậu Tuất 2018, phóng viên Tạp chí Môi trường và Cuộc sống đã có cuộc trao đổi với đồng chí Vũ Hồng Bắc – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên về vấn đề trên.

Ông Vũ Hồng Bắc – Phó bí thư tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên

MT&CS: Thưa Chủ tịch, năm 2017 đã khép lại, tỉnh Thái Nguyên đã có những bứt phá trong tăng trưởng kinh tế – xã hội. Xin Chủ tịch điểm lại những nét nổi bật nhất trong bức tranh kinh tế – xã hội của tỉnh trong năm qua?

Chủ tịch Vũ Hồng Bắc: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2016 – 2020 đã xác định các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp lớn với 8 chương trình, 16 đề án và 20 dự án, công trình trọng điểm có vai trò định hướng cho cả nhiệm kỳ. Trên cơ sở đó, tỉnh Thái Nguyên đã cụ thể hóa và tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ để tiếp tục giữ vững sự tăng trưởng kinh tế nhanh nhưng bảo đảm bền vững.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) trên địa bàn năm 2017 đạt 12,75% (chỉ tiêu kế hoạch là tăng 12%). Trong đó, khu vực Nông lâm nghiệp thủy sản tăng 2,17%; khu vực Công nghiệp – xây dựng tăng 17,02%; khu vực dịch vụ và thuế sản phẩm tăng 7,56%. GRDP bình quân đầu người đạt 68 triệu đồng. Nếu tính theo Đô la Mỹ, năm 2017 đạt 2.988 USD/người/năm. Giá trị xuất khẩu trên địa bàn đạt 23,5 tỷ USD, tăng 23,4% so cùng kỳ và đạt 112,2% kế hoạch, trong đó, xuất khẩu địa phương là 303 triệu USD, bằng 101% kế hoạch, tăng 20,3% so với cùng kỳ.

Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 12.643,2 tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2016, trong đó thu nội địa đạt 9.865,3 tỷ đồng, bằng 145,9% dự toán, tăng 24,3% so với cùng kỳ; thu xuất nhập khẩu 2.718 tỷ đồng, bằng 120,8% dự toán, tăng 60,2% so với năm 2016. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh năm 2017 là 9%, giảm 2,21% so với năm 2016 và vượt chỉ tiêu kế hoạch. Số lao động được tạo việc làm mới tăng thêm toàn tỉnh cả năm đạt 21,4 nghìn lao động, bằng 142,8% kế hoạch; trong đó xuất khẩu lao động là 1.053 người, bằng 105,3% kế hoạch.

Nhắc đến Thái Nguyên, không thể không nhắc tới chè Thái Nguyên. Mặc dù, diện tích trồng chè chỉ đứng thứ 2 cả nước nhưng Thái Nguyên nằm trong vùng chè lâu đời của Việt Nam, với sản phẩm trà có hương vị đặc trưng mà không nơi nào khác có được. Cây chè được xem là cây trồng chủ lực đem lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2017, diện tích trồng chè mới và trồng lại toàn tỉnh đạt 1.091 ha, bằng 109,1% kế hoạch, giảm 11,2% so cùng kỳ; trong đó chè trồng mới là 223 ha.

MT&CS: Thưa Chủ tịch, tỉnh Thái Nguyên đang ngày càng “thay da đổi thịt” trở thành một điểm sáng trong phát triển kinh tế – xã hội tại khu vực Đông Bắc. Tuy nhiên, kinh tế phát triển, công nghiệp hóa – hiện đại hóa diễn ra mạnh mẽ thì vấn đề môi trường có nguy cơ suy thoái. Vậy, tỉnh Thái Nguyên đã làm gì để không đánh đổi môi trường lấy kinh tế?

Chủ tịch Vũ Hồng Bắc: Đúng vậy, bài toán không đánh đổi môi trường lấy kinh tế là một bài toán khó. Phải làm sao để vừa phát triển kinh tế – xã hội nhưng vẫn hài hòa với môi trường. Nhận thức rõ được vấn đề trên, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành các nghị quyết, chương trình hành động, đề án, kế hoạch phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế – xã hội.

Đồng chí Vũ Hồng Bắc – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên trồng cây lưu niệm trong Lễ Phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh” năm Đinh Dậu 2017 tại trường Tiểu học số 2, xã Linh Sơn, Tp. Thái Nguyên

Thái Nguyên luôn coi vấn đề môi trường là một trong những vấn đề đại sự, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để xây dựng tỉnh phát triển bền vững. Nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể về bảo vệ môi trường đã và đang được đưa vào cuộc sống. Cụ thể:

Thứ nhất, để công tác bảo vệ môi trường đạt hiệu quả, tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng và ban hành chính sách chung về bảo vệ môi trường. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ về vốn và ưu đãi thuế đối với các cơ sở áp dụng công nghệ sản xuất sạch…

Thứ hai, đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm về bảo vệ môi trường đến các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, các cơ sở sản xuất, kinh doanh và nhân dân trong tỉnh. Thực hiện từng bước để tạo thói quen, nếp sống và ý thức về bảo vệ môi trường trong sinh hoạt của mỗi người dân. Đặc biệt, triển khai tiêu chí số 47 trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Thứ ba, đa dạng hóa các nguồn đầu tư và đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường.

Thứ tư, đầu tư các dự án về xử lý rác thải trong đó có một số công trình xử lý chất thải hiện đại như: Hệ thống xử lý nước thải, khí thải của Khu công nghiệp Yên Bình; công nghệ xử lý chất thải y tế của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên; công nghệ không phân, công nghệ saibon để xử lý chất thải chăn nuôi; thử nghiệm, nhân rộng mô hình lò đốt rác mi ni nhằm giảm quỹ đất bãi rác để xử lý rác thải ở các khu vực dân cư phân tán…

Thứ năm, tăng cường công tác quan trắc môi trường, theo dõi, giám sát các hoạt động xả thải thông qua vai trò giám sát của người dân. Các cơ quan chức năng đã thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện kế hoạch xử lý triệt để ô nhiễm. Thái Nguyên đã hoàn thành kế hoạch xử lý triệt để ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định 64/2003/QĐ-TTg.

Thứ sáu, tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về môi trường, tích cực chỉ đạo đôn đốc thực hiện kết luận sau thanh tra đối với những đơn vị vi phạm.

Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường của tỉnh vẫn còn một số hạn chế: Hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường chưa được đầu tư đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; ô nhiễm môi trường tại khu vực nông thôn, làng nghề có xu hướng gia tăng do áp lực từ rác thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi; lưu vực sông Cầu vẫn phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm môi trường… Ngoài ra, vẫn còn một số điểm “nóng” về môi trường gây bức xúc trong dư luận.

MT&CS: Thái Nguyên là một trong những địa phương chịu tác động của biến đổi khí hậu. Chủ tịch đánh giá như thế nào về Chương trình Gala phát động Cuộc thi “Biến đổi khí hậu với cuộc sống” do Tạp chí Môi trường và Cuộc sống phối hợp với Đại học Thái Nguyên tổ chức?

Chủ tịch Vũ Hồng Bắc: Tỉnh Thái Nguyên với hơn 1,2 triệu dân, là một trong những trung tâm kinh tế – văn hóa, y tế, giáo dục của khu vực trung du miền núi. Trong những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã có sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, văn hóa, xã hội. Diện mạo của tỉnh Thái Nguyên từ thành thị đến nông thôn có nhiều khởi sắc.

Tuy nhiên, Thái Nguyên cũng là một trong những địa phương chịu tác động của biến đổi khí hậu với các hình thái thời tiết cực đoan như: rét đậm, rét hại, mưa lũ, sạt lở đất, hạn hán… ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Thực hiện Nghị quyết 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành kế hoạch hành động trên địa bàn tỉnh với mục tiêu giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Để thực hiện được mục tiêu giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, một trong những giải pháp cấp bách mà tỉnh Thái Nguyên đã và đang thực hiện là tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng về biến đổi khí hậu.

Qua đó, tôi nhận thấy Chương trình Gala phát động Cuộc thi “Biến đổi khí hậu với cuộc sống” do Tạp chí Môi trường và Cuộc sống phối hợp với Đại học Thái Nguyên tổ chức là một chương trình hết sức ý nghĩa. Tôi đánh giá cao ý tưởng tổ chức Cuộc thi của Tạp chí Môi trường và Cuộc sống. Việc tổ chức Cuộc thi “Biến đổi khí hậu với cuộc sống” trong hệ thống các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp trên cả nước là rất thiết thực góp phần nâng cao nhận thức của các bạn trẻ về biến đổi khí hậu.

Tôi thiết nghĩ, Tạp chí Môi trường và Cuộc sống nên tổ chức thường niên Cuộc thi “Biến đổi khí hậu với cuộc sống” để không chỉ lan tỏa sâu rộng trong sinh viên mà còn trong cả cộng đồng.

Ông Vũ Hồng Bắc – Phó bí thư tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên tham dự Gala phát động cuộc thi “Biến đổi khí hậu với Cuộc sống” và quyên góp ủng hộ “Quỹ chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu” tại Đại học Thái Nguyên

Năm 2017, nhóm sinh viên “Mẹ Trái Đất” khoa Khoa học Môi trường và Trái Đất – Đại học Khoa học Thái Nguyên đã giành giải Nhất tập thể tại Cuộc thi “Biến đổi khí hậu với cuộc sống” – Chủ đề: “Lũ lụt, hạn hán và hành động của chúng ta”. Vì vậy, tôi đề nghị, Đại học Thái Nguyên, trường Đại học Khoa học tích cực phối hợp và quan tâm hướng dẫn sinh viên tích cực tham gia Cuộc thi, đồng thời có nhiều công trình khoa học nghiên cứu về môi trường được chuyển giao và ứng dụng trong thực tiễn để góp phần bảo vệ môi trường bền vững.

Năm 2018 là năm bản lề của kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2015 – 2020. Với đà phát triển kinh tế như hiện nay, chúng ta cần nghĩ đến một kế hoạch dài hơi trong việc đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường. Bởi vì xét đến cùng, công tác bảo vệ môi trường được quan tâm là nhân tố quan trọng cho sự phát triển kinh tế – xã hội bền vững.

MT&CS: Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch về cuộc trao đổi này. Kính chúc Chủ tịch luôn mạnh khỏe, góp phần lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên ngày càng phát triển.

Minh Tuấn

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thái Nguyên: Bảo vệ môi trường hướng tới sự phát triển bền vững