Thái Nguyên: Khẳng định vị thế trở thành trung tâm kinh tế phát triển bền vững

Thu Hà|26/01/2020 12:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Năm 2019, tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội (KT – XH) và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020. Thái Nguyên đã và đang khẳng định vị thế của một địa phương với nền kinh tế hiện đại, tăng trưởng kinh tế đứng vị trí số 1 trong vùng Trung Du.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, với sự quyết tâm, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp (DN), doanh nhân và nhân dân, năm 2019, tình hình KT-XH trên địa bàn tỉnh tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực, đời sống nhân dân ổn định và phát triển, công tác quốc phòng – an ninh được củng cố, tăng cường.

Thái Nguyên khẳng định vị thế trở thành trung tâm kinh tế phát triển bền vững

Về những kết quả cụ thể: Năm 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) của tỉnh tăng 9% so với năm 2018, đạt kế hoạch đề ra. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực; khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm tỷ trọng 58%; khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm tỷ trọng 10,3%; khu vực dịch vụ và thuế sản phẩm chiếm tỷ trọng 31,7%. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) bình quân đầu người ước đạt 83,5 triệu đồng/người/năm (tương đương 3.583 USD/người/năm), tăng gần 6 triệu đồng/người so với năm 2018, vượt kế hoạch đề ra, cao gấp gần 2 lần thu nhập bình quân chung cả nước (bình quân chung cả nước năm 2018 đạt 58,5 triệu đồng, tương đương 2.590 USD/người/năm). Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt trên 743.000 tỷ đồng (đạt kế hoạch đề ra, tăng 11,5% so với cùng kỳ); giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ước đạt trên 13.500 tỷ đồng, tăng 4% so với kế hoạch; tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt trên 27,6 tỷ USD, tăng 11,2% so với kế hoạch; tổng thu ngân sách Nhà nước đạt trên 15.000 tỷ đồng, vượt so với kế hoạch… Cùng với đó, việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), phát triển đô thị, các hoạt động an sinh xã hội, công tác giải quyết việc làm cho người lao động, giảm nghèo bền vững… được tỉnh đặc biệt quan tâm, triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao.

Thái Nguyên luôn đề cao vấn đề vấn đề bảo vệ môi trường

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thái Nguyên đã thẳng thắn nhìn nhận một số mặt hạn chế, như: Quy mô kinh tế của khu vực có vốn trong nước trên địa bàn tỉnh còn chiếm tỷ trọng chưa cao, sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ; liên kết sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển còn chậm. Đặc biệt, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, tác động đến đời sống của nhân dân…

Với mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, Thái Nguyên luôn đề cao vấn đề vấn đề bảo vệ môi trường. Vì thế, nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể về bảo vệ môi trường đã và đang được tỉnh đưa vào cuộc sống.Cụ thể:

Tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng và ban hành chính sách chung về bảo vệ môi trường. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ về vốn và ưu đãi thuế đối với các cơ sở áp dụng công nghệ sản xuất sạch…

Tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng và ban hành chính sách chung về bảo vệ môi trường

Đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm về bảo vệ môi trường đến các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, các cơ sở sản xuất, kinh doanh và nhân dân trong tỉnh. Thực hiện tạo thói quen, nếp sống và ý thức về bảo vệ môi trường trong sinh hoạt của mỗi người dân. Đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện tiêu chí số 47 trong quá trình xây dựng nông thôn mới; đa dạng hóa các nguồn đầu tư và đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường; đầu tư các dự án về xử lý rác thải trong đó có một số công trình xử lý chất thải hiện đại như: Hệ thống xử lý nước thải, khí thải của Khu công nghiệp Yên Bình; công nghệ xử lý chất thải y tế của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên; công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi; thử nghiệm, nhân rộng mô hình lò đốt rác mi ni nhằm giảm quỹ đất bãi rác để xử lý rác thải ở các khu vực dân cư phân tán…; tăng cường công tác quan trắc môi trường, theo dõi, giám sát các hoạt động xả thải thông qua vai trò giám sát của người dân. Các cơ quan chức năng đã thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện kế hoạch xử lý triệt để ô nhiễm. Thái Nguyên đã hoàn thành kế hoạch xử lý triệt để ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định 64/2003/QĐ-TTg; tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về môi trường, tích cực chỉ đạo đôn đốc thực hiện kết luận sau thanh tra đối với những đơn vị vi phạm…

Năm 2020 là năm tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX (nhiệm kỳ 2020-2025), hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Thu hút, phát triển các dự án phải gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2020 và cả giai đoạn 2016-2020, tỉnh Thái Nguyên tập trung chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, hiệu quả, chuẩn bị nguồn lực tổ chức thực hiện, cụ thể như sau:

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thực hiện chủ trương thu hút đầu tư có chọn lọc, tập trung vào các dự án lớn, dự án công nghệ cao, quan tâm nhà đầu tư có uy tín, có năng lực và kinh nghiệm; lựa chọn các dự án có quy mô lớn về du lịch sinh thái, bảo vệ môi trường, đặc biệt là các dự án đầu tư vào vùng hồ Núi Cốc và sườn đông Tam Đảo; các dự án có tiềm lực tài chính, sản phẩm có tính cạnh tranh cao.

Thu hút, phát triển các dự án phải gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững. Tạo điều kiện cho các DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với những dự án có quy mô lớn, ứng dụng khoa học – công nghệ trong sản xuất.

Cùng với đó, thực hiện đồng bộ, quyết liệt các đột phá chiến lược; tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Bám sát phương châm hành động của Chính phủ, tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành theo hướng làm rõ trách nhiệm, phân cấp, đi sâu sát về cơ sở; nâng cao chất lượng tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa chính quyền với nhân dân và cộng đồng DN; nâng cao hiệu quả hoạt động trong giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và những vấn đề mới phát sinh trong triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ sở.

Thực hiện một số giải pháp đối với sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản; đẩy mạnh liên kết, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất; quảng bá, xúc tiến thương mại hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm; bố trí nguồn lực để đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn.

Phát triển văn hóa, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính; tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế; thực hiện các giải pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; quyết liệt phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tăng cường tiềm lực quốc phòng – an ninh; bảo đảm trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế…

Thu Hà

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thái Nguyên: Khẳng định vị thế trở thành trung tâm kinh tế phát triển bền vững