Theo Quy chế tuyển sinh trình độ đại học; tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non ban hành kèm theoThông tư 09/2020/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành từ 22/6, điều kiện dự tuyển vào đại học năm 2020 được quy định khá cụ thể, bao gồm:
Thí sinh đã tốt nghiệp chương trình THPT của Việt Nam (theo hình thức giáo dục chính quy hoặc giáo dục thường xuyên) hoặc đã tốt nghiệp trình độ trung cấp (trong đó, người tốt nghiệp trình độ trung cấp nhưng chưa có bằng tốt nghiệp THPT phải học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định của Luật Giáo dục và các văn bản hướng dẫn thi hành) hoặc đã tốt nghiệp chương trình THPT của nước ngoài (đã được nước sở tại cho phép thực hiện, đạt trình độ tương đương trình độ THPT của Việt Nam) ở nước ngoài hoặc ở Việt Nam (sau đây gọi chung là tốt nghiệp THPT).
Ảnh minh họa
Có đủ sức khỏe để học tập theo quy định hiện hành. Đối với người khuyết tật được cấp có thẩm quyền công nhận bị dị dạng, dị tật, suy giảm khả năng tự lực trong sinh hoạt và học tập thì hiệu trưởng các trường xem xét, quyết định cho dự tuyển vào các ngành học phù hợp với tình trạng sức khỏe.
Bên cạnh đó, các thí sinh này phải trong độ tuổi quy định đối với những trường, ngành có quy định về tuổi; Đạt các yêu cầu sơ tuyển, nếu đăng kí xét tuyển (ĐKXT) hoặc dự thi vào các trường có quy định sơ tuyển; Có HKTT thuộc vùng tuyển quy định, nếu ĐKXT hoặc dự thi vào các trường có quy định vùng tuyển.
Đối với quân nhân; sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ trong CAND tại ngũ chỉ được dự tuyển vào những trường do Bộ Quốc phòng hoặc Bộ Công an quy định sau khi đã được cấp có thẩm quyền cho phép đi học; quân nhân tại ngũ sắp hết hạn nghĩa vụ quân sự theo quy định, nếu được Thủ trưởng từ cấp trung đoàn trở lên cho phép, thì được dự tuyển theo nguyện vọng cá nhân, nếu trúng tuyển phải nhập học ngay năm đó, không được bảo lưu sang năm học sau.
Thông tư 10/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT về Quy chế tổ chức và hoạt động của đại học vùng và các cơ sở giáo dục đại học thành viên.
Theo đó, từ 29/6, đại học vùng và các đơn vị thành viên của đại học vùng thiết kế mẫu văn bằng giáo dục đại học, in phôi, cấp phát, quản lý văn bằng, chứng chỉ theo quy định của Bộ GD&ĐT (theo quy định hiện hành, đại học vùng tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc in; quản lý, cấp, phát, thu hồi, hủy bỏ văn bằng, chứng chỉ).
Cơ cấu tổ chức của đại học vùng thực hiện theo quy định tại khoản 9 Điều 1 của Luật Giáo dục đại học sửa đổi gồm:
Hội đồng đại học vùng; Giám đốc đại học vùng; phó giám đốc đại học vùng; Hội đồng khoa học và đào tạo; hội đồng khác (nếu có).
Trường đại học thành viên, viện nghiên cứu thành viên (nếu có); trường thuộc đại học vùng, ban chức năng; tổ chức khoa học và công nghệ, thư viện và tổ chức phục vụ đào tạo khác.
Khoa, phân hiệu, viện nghiên cứu, trung tâm, cơ sở dịch vụ, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh và đơn vị khác (nếu có) theo nhu cầu phát triển của đại học vùng.
Thông tư 32/2019/TT-BLĐTBXH quy định về tiêu chuẩn cơ sở đào tạo, nghiên cứu được tổ chức bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp (CDNN) viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp (GDNN).
Theo đó, từ 1/6, việc in, cấp và quản lý chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn CDNN viên chức chuyên ngành GDNN được thực hiện theo quy định tại Điều 4 Thông tư 01/2018/TT-BNV.
Cơ sở đào tạo, nghiên cứu thực hiện công bố công khai, cập nhật dữ liệu về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN viên chức chuyên ngành GDNN trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo, nghiên cứu và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.
Nội dung thông tin công khai gồm các nội dung ghi trên chứng chỉ và phải đảm bảo chính xác với sổ cấp chứng chỉ; phải được cập nhật và lưu trữ thường xuyên trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo, nghiên cứu, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp; bảo đảm dễ quản lý, truy cập và tìm kiếm.
Theo ANTĐ