Thành cổ hôm nay

Bài, ảnh: Văn Thanh, Văn Minh|26/07/2017 04:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn 70 năm ngày Thương binh liệt sỹ và 45 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ 1972 – 2017:

(Moitruong.net.vn) – Thành cổ Quảng Trị là một công trình thành luỹ quân sự và là lỵ sở của Nhà Nguyễn trên địa hạt Quảng Trị. Đây cũng là trung tâm tỉnh lỵ Quảng Trị thời thuộc Pháp và chính quyền miền Nam. Đặc biệt trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy năm 1972, Thành cổ được cả thế giới biết đến và khâm phục bởi những chiến công hiển hách, những tấm gương chiến đấu anh dũng hy sinh trong 81 ngày đêm đánh địch tái chiếm, bảo vệ thị xã Quảng Trị của quân và dân ta.

2

Bảo tàng Thành cổ được xây dựng ở trong thành, góc đông nam. Nơi đây lưu giữ những hình ảnh và hiện vật của cuộc chiến.

Thành cổ và những chiến công hiển hách

Theo tài liệu thì vào đầu thời Gia Long, thành Quảng Trị được xây dựng tại phường Tiền Kiên (Triệu Thành – Triệu Phong), đến năm 1809, vua Gia Long cho dời đến xã Thạch Hãn (tức vị trí ngày nay, thuộc phường 2, thị xã Quảng Trị). Ban đầu thành được đắp bằng đất, tới năm 1837 vua Minh Mạng cho xây lại bằng gạch. Thành có dạng hình vuông, chu vi tường thành là hơn 2.000 m, cao hơn 4 m, dưới chân dày hơn 12 m, bao quanh có hệ thống hào, bốn góc thành là 4 pháo đài nhô hẳn ra ngoài. Thành được xây theo lối kiến trúc thành trì Việt Nam với tường thành bao quanh hình vuông được làm từ gạch nung cỡ lớn; kết dính bằng vôi, mật mía và một số phụ gia khác trong dân gian. Thành trổ bốn cửa chính ở các phía Đông, Tây, Nam, Bắc.

Trong những năm 1809-1945 nhà Nguyễn lấy làm thành lũy quân sự và trụ sở hành chính. Từ năm 1929, Pháp xây dựng thêm nhà lao ở đây và biến nơi đây thành nơi giam cầm các những người có quan điểm chính trị đối lập.

Tại nơi đây đã có những trận đánh lớn trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam trong các năm 1968, 1972. Sau chiến dịch Thành Cổ “mùa hè đỏ lửa” 1972 toàn bộ Thành Cổ gần như bị san phẳng; chỉ còn sót lại một cửa hướng Đông tương đối nguyên hình và vài đoạn tường thành cùng giao thông hào bên ngoài chi chít vết bom đạn.

Mang trong mình ý nghĩa và tầm vóc to lớn, Thành cổ Quảng Trị cùng với các di tích liên quan được Bộ Văn hoá – Thông tin (nay là Bộ VH,TT&DL) xếp hạng di tích Quốc gia theo Quyết định số 235/VH-QĐ ngày 12/12/1986; Ngày 09 tháng 12 năm 2013 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định Số 2383/QĐ-TTg xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972.

Thành cổ nằm ở vị trí trung tâm của toàn cụm di tích ở phía Nam tỉnh Quảng Trị như: Nhà lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn, Dinh Ái Tử thời Chúa Nguyễn Hoàng, Sân bay căn cứ Ái Tử thời Mỹ – ngụy, Nhà thờ La Vang, Chùa Sắc Tứ… Các địa điểm in đậm dấu ấn trận đánh 81 ngày đêm  như  ngã ba cầu Ga, bến sông Thạch Hãn, Trường Bồ Đề, Nhà thờ Tri Bưu, Long Hưng, chốt Long Quang…đều rất gần Thành cổ.

Thành cổ hôm nay

Đến với Thành cổ Quảng Trị hôm nay, du khách không chỉ  nhìn thấy được dấu vết của một số đoạn thành, lao xá, các cổng tiền, hậu, hữu, tả mà còn có cơ hội được chiêm ngưỡng một bảo tàng sống về ý chí và sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong thời đại mới. Mỗi tấc đất nơi đây thấm đẫm máu xương của biết bao người con đất Việt. Họ đã vì lý tưởng cao đẹp là giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc mà hi sinh thân mình. Chính vì vậy, Thành cổ trở thành mảnh đất thiêng, nơi hội tụ tình cảm của chiến sĩ, đồng bào cả nước.

1

Du khách thăm quan thành cổ

Nhiều năm qua Ban liên lạc Cựu chiến binh các đơn vị từng tham gia chiến đấu trên mặt trận Quảng Trị đã hành hương và tổ chức nhiều cuộc họp mặt kỷ niệm quy mô lớn, trong đó Lễ hội tri ân tháng 7 được nhiều người quan tâm, được bạn bè trong nước và quốc tế chờ đón, trở thành lễ hội cách mạng để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng nhân dân và du khách khi đến Quảng Trị.

Mỗi năm, Thành cổ đón hàng chục vạn lượt khách viếng thăm. Điều này đã thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” của dân ta. Đây cũng là dịp quảng bá trên thông tin đại chúng để đồng bào cả nước biết thêm nhiều về cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ và thị xã Quảng Trị năm 1972, cũng như góp phần quan trọng vào công tác nghiên cứu lịch sử, giáo dục cho thế hệ trẻ hôm nay tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước trong thời đại mới.

Tri ân Thành cổ

Trong những năm qua, nhận thức được vai trò, vị thế và tầm quan trọng của di tích Thành cổ, ngành Văn hoá, Thể Thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị đã chủ động trong các hoạt động nghiên cứu, giữ gìn và phát huy tốt giá trị di tích; Đồng thời luôn tìm mọi cách để làm cho cõi thiêng Thành cổ ngày càng được tôn vinh trong lòng di sản văn hoá dân tộc, xứng đáng với niềm tin và sự gửi trao của đồng bào cả nước.

Cách đây 8 năm, đêm 26/7/2009, khi bờ Nam sông Thạch Hãn khánh thành cụm công trình tưởng niệm này do Vietin Bank và Vinashin ủng hộ với kinh phí xây dựng lên đến 18 tỷ đồng thì sáng 27-7, ở bờ Bắc, một bến thả hoa khác cũng vừa được khởi công do Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cung tiến với kinh phí xây dựng để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ hy sinh trong chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ năm 1972.

Không chỉ tưởng niệm với hoa tươi và nến sáng, ngày 22/7/2016 tại khuôn viên Thành cổ Quảng Trị đã tổ chức Trại sáng tác điêu khắc “Thành cổ Quảng Trị – Bất tử và hồi sinh” do Công đoàn Ngân hàng chính sách xã hội tài trợ 7,5 tỷ đồng, với 22 tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao đã được lưu lại. Đây cũng là một thông điệp về giá trị cao cả của sự hy sinh, về đạo lý uống nước nhớ nguồn, nhắc nhở con người hãy biết quý trọng hòa bình và giữ gìn độc lập, tự do, hòa bình, hữu nghị gửi đến các thế hệ sau.

Trong tháng 7/2017 này, cầu Thành Cổ dự án tuyến tránh Quốc lộ 1, đoạn qua thị xã Quảng Trị sẽ được hoàn thành, hướng đến kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh-Liệt sĩ và Chiến dịch bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị 81 ngày đêm lịch sử. Cầu Thành Cổ cũng sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào, chiến sĩ, nhân dân trong và ngoài nước tham quan, thăm viếng, tri ân các Anh hùng Liệt sĩ đã dũng cảm chiến đấu và hy sinh cho Tổ quốc tại địa danh lịch sử đặc biệt quan trọng Thành cổ bên “dòng sông hoa lửa” Thạch Hãn nói riêng và tỉnh Quảng Trị nói chung.
Thành cổ Quảng Trị là nơi “Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật/Cho hôm nay tôi đến nghẹn ngào…” và cũng là nơi tôn vinh, tri ân cho những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì sự độc lập tự do của Tổ quốc về sự trường tồn của dân tộc. Nơi đây mãi mãi là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần bất khuất kiên trung của cả một dân tộc anh hùng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Bài, ảnh: Văn Thanh, Văn Minh

   

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành cổ hôm nay