Thanh Hóa: Bài toán môi trường chợ Sim đến bao giờ mới có lời giải?

Nguyễn Trường - Sơn Hà |25/11/2022 07:44
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Được xây dựng từ vài năm nay và đang trong giai đoạn hoàn thiện nhưng chợ Sim xã Hợp Thành, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) đã đưa vào hoạt động, phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến môi trường, làm ảnh hưởng trực tiếp đến các tiểu thương kinh doanh trong chợ cũng như môi trường sống của những hộ dân  trong khu vực.

Chợ qui mô lớn nhưng không có đường thoát nước thải riêng

Đó là một trong nhiều vấn đề mà người dân thôn Diễn Hòa, xã Hợp Thành, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) đề cập trong đơn gửi Tạp chí Môi trường và Cuộc sống phản ánh về hoạt động của chợ Sim đóng trên địa bàn thôn Diễn Hòa đang làm ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sống của các hộ dân sống xung quanh chợ.

W_cho-sim-o-nhiem-moi-truong-1.jpg
Một góc của chợ Sim trong giai đoạn hoàn thiện

“Chúng tôi là những hộ dân đang sinh sống và kinh doanh trên địa bàn thôn Diễn Hòa, xã Hợp Thành, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) viết đơn này để phản ánh tới các quý cơ quan về những sai phạm trong quá trình xây dựng, hoạt động của chợ Sim (xã Hợp Thành, huyện Triệu Sơn). Cụ thể: Việc xây dựng chợ Sim đã có nhiều hạng mục thay đổi, không đúng với thiết kế ban đầu và bản thiết kế sắp xếp các vị trí không hề phù hợp. Ví dụ như tự ý chuyển hàng thực phẩm tươi sống về vị trí không đúng. Đưa cổng chợ phụ cách xa khu dân cư, không thuận tiện về giao thông và con người. Nhà vệ sinh công cộng, hàng hải sản tươi sống, và hàng cá về khu vực sát khu dân cư, nên không tránh khỏi ô nhiễm môi trường,… Đặc biệt, chợ hoạt động bấy lâu nay nhưng không hề có đường ống dẫn nước thải riêng, mà thường xả thẳng ra cống nước thải sinh hoạt của bà con, gây mùi khó chịu, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều hộ gia đình…” – một trong những nội dung đơn thư đề cập đến.

W_cho-sim-o-nhiem-moi-truong.jpg
Đơn kiến nghị của người dân thôn Diễn Hòa và các tiểu thương đang kinh doanh ở chợ Sim gửi đến các cơ quan ban ngành và Tạp chí Môi trường và Cuộc sống

Được sự giúp đỡ nhiệt tình của anh Hà Minh Vũ, nhà ở cạnh chợ Sim, phóng viên Tạp chí Môi trường và Cuộc sống đã được tận mắt chứng kiến những điểm chưa hợp lý trong khu chợ được cho là hiện đại ở vùng nông thôn này.

Chỉ vào ụ đất nằm lấp đè lên đầu một ống cống, anh Vũ cho biết: Chợ kinh doanh nhưng không có hệ thống xử lý nước thải riêng mà xả thẳng ra cống dân sinh của người dân, tanh hôi không thể chịu được nên tôi đã mua 2 xe đất về bịt cống dẫn nước thải của chợ, không cho chảy vào cống dân sinh nữa”.

cho-sim-3.jpg
Anh Hà Minh Vũ chỉ cho PV xem đường nước thải không qua xử lý từ chợ Sim chảy thẳng ra cống dân sinh của người dân. 

Bị bịt kín bởi một lượng đất khá lớn nên nước xả thải hàng ngày của các tiểu thương trong chợ Sim không có lối thoát, nằm ứ động trong các hố ga lâu ngày, có màu đen ngòm và bốc mùi khó chịụ.

Chị Quy, tiểu thương bán cá ở chợ Sim gay gắt nói: “Ngày trước chợ xuống cấp, ô nhiễm môi trường là không tránh khỏi nên chúng tôi thông cảm được, nhưng bây giờ chợ xây mới rồi, được đầu tư kinh phí không nhỏ mà vấn đề môi trường vẫn không cải thiện thì không thể chấp nhận được. Kinh doanh đã vất vả rồi mà ngày nào cũng ngồi đây bán hàng, mùi hôi thối của nước thải từ hố ga cứ xộc thẳng lên mũi thì sức nào chịu được?”

W_cho-sim-o-nhiem-moi-truong-4.jpg
W_cho-sim-o-nhiem-moi-truong-5.jpg
Nước thải từ các hoạt động của chợ Sim đến từ nhiều hoạt động giết mổ, rửa đồ,... thường sẽ được chảy xuống các hố ga, trước khi được xả thẳng ra môi trường

Được biết, chợ Sim có từ những năm 90 của thế kỷ trước nhưng đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Để đảm bảo cho hoạt động mua bán, kinh doanh cho nhân dân xã Hợp Thành và các khu vực lân cận cũng như đảm bảo về công tác phòng cháy, chữa cháy, an toàn, vệ sinh, ngày 16/10/2019, UBND huyện Triệu Sơn đã có Quyết định Số: 8290/QD-UBND về việc phê duyệt Phương án chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ Sim, xã Hợp Thành, huyện Triệu Sơn.

Với qui mô thiết kế chợ hạng 3 với số lượng các điểm kinh doanh xây dựng mới là 250 quầy, và 30 Kiot, có diện tích từ 15-20 m2/điểm, chợ Sim, xã Hợp Thành, huyện Triệu Sơn ( Thanh Hóa) được UBND huyện Triệu Sơn đồng ý cho xây mới trên mặt bằng rộng 4.360 m2 với tổng vốn đầu tư dự kiến là hơn 8,4 tỷ đồng. Theo thiết kế, chợ xây mới sẽ đảm bảo các quy định về phòng cháy chữa cháy và đáp ứng các quy định vệ sinh môi trường. Đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH Ngọc Khánh.

Cần giải quyết triệt để kiến nghị của người dân

Theo tìm hiểu của phóng viên, mặc dù chưa được nhà thầu bàn giao nhưng chợ Sim đã được gia đình ông Lê Xuân Toàn và bà Hà Thị Thanh nhận thầu với thời hạn 60 tháng, đến ngày 31/12/2022 mới kết thúc.

W_cho-sim-o-nhiem-moi-truong-7.jpg
Vì bức xúc trước việc xả nước thải có dấu hiệu chưa qua xử lý vào cống dân sinh của người dân, anh Hà Văn Vũ đã lấy đất bịt kín cống thoát nước của chợ Sim

Được giao quản lý, điều hành chợ nên hai gia đình nhận thầu đã tự ý xây nhà vệ sinh trên đất nông nghiệp cũng như tự ý xử lý rác thải của chợ bằng cách đem chôn lấp.

Điều này được thể hiện trong công văn số 4898 /UBND-KTHT ngày 5/10/2022, của UBND huyện Triệu Sơn về việc trả lời đơn phản ánh của ông Hà Quang Thiết và bà Đàm thị Quy công dân thôn Diễn Hòa, xã Hợp Thanh, huyện Triệu Sơn. Nội dung cụ thể như sau: “Việc chôn lấp rác, sau khi xác minh và báo cáo của bà Thanh (chủ thầu chợ Sim). Bà Thanh có nhận tự ý chôn lấp một số rác hữu cơ của chợ rồi san lấp đất để trồng cây. Hiện nay UBND xã đang lập hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật”.

Với kiến nghị của người dân về việc chủ thầu chợ Sim xây nhà vệ sinh trên đất nông nghiệp, Đoàn kiểm tra của UBND huyện Triệu Sơn có câu trả lời như sau: “Qua kiểm tra xác minh: Đoàn ghi nhận tại khu đất hiện đang trồng cây ăn quả, đề nghị UBND xã Hợp Thành xác định thời điểm bà Thanh chôn lấp rác thải và thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật, báo cáo kết quả kiểm tra xử lý về UBND huyện qua phòng Tài nguyên và Môi trường trước ngày 15/10/2022. Đối với nhà vệ sinh xây dựng trên đất nông nghiệp, đề nghị UBND xã yêu cầu bà Thanh phá dỡ công trình sau khi nhà vệ sinh trong chợ Sim được đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng”.

Việc xây dựng nhà vệ sinh trên đất nông nghiệp được gia đình bà Thanh giải thích là để cho người dân sử dụng tạm trong thời gian chờ nhà vệ sinh trong chợ được xây mới thì sẽ tháo dỡ. Tuy nhiên, tại thời điểm phóng viên có mặt, nhà vệ sinh mới vẫn chưa hoàn thiện, còn nhà vệ sinh được xây trên đất nông nghiệp thì được khóa cẩn thận, không thể ra vào. Hỏi các tiểu thương đang buôn bán ở chợ Sim thì tất cả chỉ biết thở dài ngao ngán.

W_cho-sim-o-nhiem-moi-truong-8.jpg
Nhà vệ sinh được xây trên đất nông nghiệp mà Ban quản lý chợ Sim giải thích là để phục vụ cho các tiểu thương và người dân đi chợ, trong giai đoạn xây nhà vệ sinh mới, thì luôn trong tình trạng "cửa đóng then cài"

Một khu chợ được thiết kế đảm bảo các quy định về phòng cháy chữa cháy và đáp ứng các quy định vệ sinh môi trường nhưng hiện tại các tiểu thương đang kinh doanh buôn bán ở đây ngày ngày phải chịu đựng cảnh nước xả thải ứ đọng trong các hố ga, nhà vệ sinh dựng tạm trên đất nông nghiệp khiến người ta có cảm giác câu chuyện về vệ sinh môi trường ở chợ Sim vẫn như ngày nào, khác chăng là được khoác lên một tấm áo mới từ vài năm nay.

Để các tiểu thương ở chợ Sim yên tâm kinh doanh, không làm ảnh hưởng tới môi trường sống của những hộ gia đình xung quanh khu chợ, nhất là trong bối cảnh xã Hợp Thành đang phấn đấu về đích nông thôn mới nâng cao, rất cần sự vào cuộc rốt ráo của chính quyền địa phương, xử lý triệt để những bất cập về môi trường đang tồn tại trong khu chợ.

Bài liên quan
  • Thanh Hóa xin nhận chìm hơn 1,4 triệu m3 bùn thải xuống biển
    Trước việc Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn nhiều lần có văn bản xin nhận chìm hơn 1 triệu m3 bùn thải hình thành trong quá trình nạo vét, duy tu cảng lọc hóa dầu, tỉnh Thanh Hóa đã ra văn bản xin ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: Bài toán môi trường chợ Sim đến bao giờ mới có lời giải?