Quảng Xương (Thanh Hóa) Giám sát công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn

Minh Minh|30/10/2022 15:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

UBND huyện cho biết 26/26 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã ký hợp đồng với các đơn vị chức năng để thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt về các bãi rác tập trung của tỉnh (riêng xã Quảng Bình và thị trấn Tân Phong xử lý bằng lò đốt rác tại huyện.

Ngày 28/10, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh Thanh Hóa do đồng chí Lê Quang Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã thực hiện giám sát công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện Quảng Xương giai đoạn 2018-2022.

Báo cáo của UBND huyện Quảng Xương, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn khoảng 120 tấn/ngày. Hiện nay 26/26 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã ký hợp đồng với các đơn vị chức năng để thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt về các bãi rác tập trung của tỉnh (riêng xã Quảng Bình và thị trấn Tân Phong xử lý bằng lò đốt rác tại huyện.

thanh-hoa.jpg
Lò đốt rác tại Nhà máy xử lý rác Quảng Tân (thị trấn Tân Phong, tỉnh Thanh Hóa).

Công tác thu gom, xử lý chất thải trên địa bàn huyện được thực hiện với phương châm thu gom, phân loại, xử lý tại nguồn (tại hộ gia đình, cơ quan, đơn vị). Thành lập các hợp tác xã, các tổ tự quản các tuyến đường liên xã, liên thôn; giao các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội: Phụ nữ, Cựu chiến binh, Nông dân, Đoàn Thanh niên thực hiện các mô hình điểm về môi trường; tập huấn thực hiện mô hình phân loại rác thải tại nguồn, ủ rác thải hữu cơ thành phân bón cho các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu như: Quảng Bình, Quảng Lưu, Quảng Chính.

Hàng năm, huyện đã ban hành các kế hoạch để quản lý và giám sát công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn. Tập trung chỉ đạo, giải quyết các đơn thư, khiếu nại, kiến nghị về môi trường…

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập đó là: việc thu gom, xử lý phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch có nơi chưa đảm bảo vệ sinh môi trường; việc thực hiện phân loại và xử lý rác tại nguồn chưa được triệt để; công tác vệ sinh môi trường tại các khu dân cư chưa được duy trì thực hiện thường xuyên…

Phát biểu kết luận tại buổi giám sát, đồng chí Lê Quang Hùng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao kết quả nổi bật trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện Quảng Xương giai đoạn 2018-2022. Theo đó, công tác thu gom vận chuyển đã được cấp ủy, chính quyền huyện quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt, được người dân đồng tình ủng hộ và tích cực tham gia. Quảng Xương cũng là một trong những huyện đi đầu trong xử lý rác bằng lò đốt; huyện có rất nhiều mô hình hay, sáng tạo hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường nói chung và xử lý chất thải rắn sinh hoạt nói riêng; tỷ lệ thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn huyện tăng dần và đạt hiệu quả cao theo từng năm.

Đồng chí cũng chỉ rõ những khó khăn, hạn chế trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trên địa bàn huyện. Đồng thời, đề nghị huyện Quảng Xương làm rõ những nguyên nhân tồn tại, hạn chế trong công tác tuyên truyền, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trên địa bàn. Lãnh đạo huyện cần tiếp thu ý kiến của các đại biểu, bổ sung, hoàn chỉnh nội dung báo cáo theo yêu cầu của Đoàn giám sát..

Đối với các đề xuất, kiến nghị của huyện Quảng Xương, Ban Kinh tế - Ngân sách tiếp thu để tổng hợp, báo cáo HĐND tỉnh trong kỳ họp tới.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Xương (Thanh Hóa) Giám sát công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn