Thanh Hóa: Dân bất an vì hàng nghìn khối rỉ mật đen xả tràn ra môi trường

Ngọc Ánh (t/h)|09/05/2019 08:26
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Hàng nghìn khối rỉ mật (mật thải sau khi chế biến ra đường) từ Công ty TNHH đường mía Việt Nam – Đài Loan tràn ra ngoài khiến môi trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tài sản của người dân sinh sống tại xã Thành Vân (huyện Thạch Thành, Thanh Hóa).

Con đường dẫn về kênh Cầu Vối xóm Sắn (xã Thành Vân, huyện Thạch Thành) những ngày này xuất hiện màu đen đặc quánh bất thường. Tại đây, hàng trăm hộ dân bất lực nhìn vào con kênh, con suối, mảnh đất gia đình họ bị “tra tấn” bởi ô nhiễm.

Cụ thể, theo phản ánh của người dân xóm Sắn, xã Thành Vân, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa), sự cố trên xảy ra vào khoảng 3h sáng 3/5, tại khu nhà máy thuộc Công ty TNHH đường mía Việt Nam – Đài Loan.

Hàng nghìn khối rỉ mật đen xì đã tràn ra từ khu nhà máy, chảy xuống kênh Cầu Vối thuộc xóm Sắn rồi đổ thẳng ra sông Bưởi. Bà Lan, một hộ dân sống ngay phía sau công ty cho biết: “Khi mọi người phát hiện sự cố thì rỉ mật đen xì, đặc quánh đã tràn ra khắp con kênh và lênh láng cả một vùng, bốc mùi nồng nặc rất khó chịu”.

Một hộ dân khác cho biết thêm: “Có thể một đường ống dẫn nước thải của nhà máy đã bị vỡ, hoặc do lượng rỉ mật quá lớn, các bể trong nhà máy không còn chỗ chứa và gặp sự cố nên đã tràn ra ngoài. Lâu nay các hộ dân chủ yếu dùng nước giếng khoan để sinh hoạt, nhưng hiện tại không thể dùng được vì nước giếng chuyển màu đen khác lạ. Người dân buộc phải tích trữ nước mưa, hoặc phải đi vùng khác để xin mua nước về sử dụng. Đề nghị cấp ngành chức năng sớm có chấn chỉnh, xử lý…”

Rỉ mật tràn ra ngoài kênh Cầu Vối

Quá lo sợ đến sức khỏe của mình và nếu lượng rỉ mật kia chảy ra sông Bưởi, cá tôm ở đó sẽ chết hết, các hộ dân đã báo tin cho cán bộ của công ty.

Sau một hồi loay hoay cố gắng hút, múc số rỉ mật tràn ra nhưng bất thành, phía công ty đành phải chở đất đắp xung quanh nhà máy để ngăn chặn rỉ mật tiếp tục tràn ra.

Bên cạnh đó, đắp chặn 2 đầu của con kênh để khống chế rỉ mật chảy thẳng ra sông Bưởi. Ước tính 2 đầu bờ đắp đất dài khoảng 1km.

Theo ông Lê Văn Dũng – Chủ tịch UBND xã Thành Vân cho biết, ngày 6/5, Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa, UBND huyện Thạch Thành cùng các đơn vị liên quan đã họp khẩn, yêu cầu Công ty TNHH đường mía Việt Nam – Đài Loan phải nhanh chóng khắc phục sự cố trong thời gian sớm nhất, thu gom bằng hình thức hút, nạo vét lại toàn bộ lượng nước thải không để tràn xuống sông Bưởi.

Trong khi đó, chiều 7/5, ông Trần Bá Sơn – Trưởng phòng TN&MT huyện Thạch Thành xác nhận: “Sự cố tràn rỉ mật thải của Công ty TNHH đường mía Việt Nam – Đài Loan ra kênh Cầu Vối thuộc xóm Sắn, xã Thành Vân bắt đầu từ ngày 3/5.

Theo quy trình sản xuất đường, sau khi lọc đường tinh còn phần mật thải, trong công ty xây 2 bể chứa hơn 20.000 khối. Trong thời gian vừa rồi, khả năng do ém khí sinh ra khí Metan trong bể gây ra phản ứng hóa học, số lượng mật thải trong 2 bể tràn ra, chưa xác định được khối lượng mật thải trào ra ngoài.

Điều đáng lo là rỉ mật nếu tràn ra, hòa vào nước sẽ làm cho nồng độ ôxy giảm khiến các loại cá, tôm sống dưới nước sẽ chết. Hiện phía Công ty và chính quyền đang nỗ lực khắc phục sự cố trên.

Được biết, Kể từ khi đi vào hoạt động, người dân sống xung quanh công ty đã phải sống chung ô nhiễm. Từ ô nhiễm không khí, nguồn nước, xả thải trực tiếp ra môi trường đến hiện tượng mật theo gió bay vào nhà dân, khiến sân nhà trơn trượt như người tưới mật, …

Đặc biệt, các hộ dân chủ yếu là dùng nước giếng khoan, nhưng hiện tại không thể dùng được vì nước giếng chuyển màu đen không khác gì nước cống,mọi người phải tích trữ nước mưa, hoặc phải đi vùng khác để lấy nước về sử dụng. Nhiều người dân sống xunh quanh công ty đã và đang bị rất nhiều bệnh, mà nguyên nhân bắt nguồn từ ô nhiễm môi trường.

Ngọc Ánh (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Thanh Hóa: Dân bất an vì hàng nghìn khối rỉ mật đen xả tràn ra môi trường
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.